Phát biểu tại ngày thảo luận cuối cùng trong khuôn khổ phiên họp thường niên 5 ngày ở thành phố Florianopolis của Brazil, ngày 14-9, Thứ trưởng Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản Masaaki Taniai nhấn mạnh Tokyo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “xem xét tất cả các khả năng”.
Giới phân tích nhận định việc Nhật Bản rút khỏi IWC sẽ vấp phải sự chỉ trích từ các nước thành viên phản đối hoạt động đánh bắt cá voi. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, quốc gia này lại đối diện với áp lực từ các ngư dân trong nước yêu cầu được nối lại hoạt động săn bắt nói trên.
Tương tự đề xuất năm 2014 cũng đã bị IWC bác bỏ, đề xuất năm nay của Tokyo một lần nữa kêu gọi IWC nới lỏng các quy tắc mang tính cốt lõi của tổ chức này, theo đó cho phép nối lại săn bắt các loài cá voi có số lượng lớn như giống cá voi nhỏ trong họ cá voi lưng xám.
Bên cạnh đó, Tokyo còn thuyết phục các nước thành viên vốn phản đối hoạt động đánh bắt cá voi bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập các khu vực bảo tồn loài động vật này và nghiêm cấm việc săn bắt tại đây.
Hiện việc đặt hạn ngạch đánh bắt cá voi hay lập các khu vực bảo tồn cá voi theo quy định cần phải được 3/4 các quốc gia thành viên IWC thông qua. Nhật Bản đề xuất giảm tỷ lệ thông qua còn ở mức quá bán.
Việc ngừng đánh bắt cá voi thương mại đã diễn ra từ năm 1986, khi IWC ban hành lệnh cấm việc săn bắt động vật có vú sống ở biển và chỉ được phép trong trường hợp nó phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của thổ dân.
Mặc dù Nhật Bản đã đình chỉ hoạt động săn bắt cá voi mang tính thương mại, nhưng từ năm 1987 đến nay, Tokyo vẫn duy trì việc săn bắt với lý do “nghiên cứu khoa học”.
Nhật Bản cho biết, dự án kéo dài 12 năm nhằm nghiên cứu số lượng và hành vi sinh học của cá voi. Qua đó, Nhật Bản muốn phân tích để chứng minh rằng một số loài không phải động vật bị đe dọa tuyệt chủng và có thể được bắt để tiêu thụ.
Theo Mainichi, hiện Nhật Bản chủ yếu săn bắt cá voi tại tây bắc Thái Bình Dương và vùng biển Nam Cực. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cho rằng thịt cá voi được bán ra thị trường tiêu thụ sau các cuộc nghiên cứu, bất chấp nhu cầu đối với loại thịt này ngày càng giảm.
Hồi năm 2007, Nhật Bản cũng đã ngỏ ý rút khỏi IWC nhằm phản đối lệnh cấm săn bắt cá voi mang tính thương mại, nhưng sau đó, với sự thuyết phục của Mỹ và các quốc gia khác, nước này vẫn tiếp tục duy trì tư cách thành viên cho đến nay.