Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận bàn giao các tập đoàn, tổng công ty

Ngày 12-11, Bộ Tài chính bàn giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, vốn điều lệ của SCIC được phê duyệt theo nghị định của Chính phủ là 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư đã góp tính đến ngày 30-6 là hơn 22.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của SCIC đến cuối quý 2 đạt hơn 41.700 tỷ đồng. Trong số 19 doanh nghiệp do ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, SCIC là một trong những doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi tiếp nhận SCIC, ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, nhiệm vụ, vai trò được giao; tiếp tục sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... 

Trước đó, Bộ Công thương cũng bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty về ủy ban gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Các doanh nghiệp này có số vốn nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng, tương đương một nửa vốn của Nhà nước mà ủy ban sẽ nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty.

Chiều 12-11, tại Hà Nội lễ bàn giao 2 doanh nghiệp lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng Công ty viễn thông MobiFone về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đã được tổ chức. 

Phát biểu tại lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tới nay, các bộ, ngành đã lần lượt chuyển giao các doanh nghiệp trực thuộc về ủy ban xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước là tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý doanh nghiệp. Nhưng không vì vậy mà vai trò của các bộ bị giảm nhẹ mà để các cơ quan tập trung thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước, được quy định tại Điều 8 của Luật Quản lý, đầu tư và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, việc tách bạch 2 chức năng trên cũng góp phần bảo toàn, phát triển vốn nhà nước hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí. Bộ TT-TT chỉ có 2 doanh nghiệp bàn giao, nhưng đều có tổng tài sản trên 128.000 tỷ đồng, trong đó VNPT có 95.633 tỷ đồng (vốn nhà nước trên 72.000 tỷ đồng), còn MobiFone là 32.538 tỷ đồng (vốn nhà nước là 15.000 tỷ đồng). Phó Thủ tướng kỳ vọng 2 doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông lớn này sẽ phát huy điều kiện thực hiện đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nền kinh tế số, mô hình kinh doanh chia sẻ, chính phủ điện tử và hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Thời gian qua, MobiFone đang bị “chậm lại” quá trình cổ phần hóa do vướng mắc trong vụ mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị ủy ban phối hợp với các bên thực hiện dứt điểm hạch toán khi trả lại AVG; kiểm kê, đánh giá lại tài sản và nhận bàn giao vốn chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Tin cùng chuyên mục