Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động theo thị trường

(SGGP). - Ngày 17-9 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về đề án “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, chủ doanh nghiệp, công đoàn để giải quyết vấn đề tranh chấp lao động, bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu”.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng, tổ chức công đoàn đã theo sát tình hình thực tế hiện nay của công nhân lao động, tuy nhiên hiện nay nhiều quy định pháp luật, chính sách chưa phù hợp với tình hình mới. Các cuộc đình công liên tiếp cho thấy chúng ta cần phải nhìn nhận lại về mối quan hệ lao động. Quan hệ lao động phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, thực tế hơn, phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh.

Thực tế, tại Việt Nam, vai trò của công đoàn trong mối quan hệ lao động là quá yếu. Công đoàn cơ sở phải “gánh” quá nhiều nhiệm vụ, trong khi chính sách pháp luật chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho cán bộ công đoàn cơ sở. Vì vậy, sự thương lượng trong quan hệ lao động chưa thực sự diễn ra theo đúng nghĩa mà mới chỉ là thỏa thuận, mang tính đối phó.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật lao động hiện hành. Trong đó, cần tập trung vào việc hoàn thiện các quy định về tiền lương theo hướng đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động theo thị trường; các quy định về giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo hướng đơn giản, khả thi hơn; quy định về cơ chế đối thoại tại nơi làm việc; tăng thẩm quyền cho công đoàn cơ sở để đủ sức mạnh bảo vệ người lao động nơi làm việc.

Quang Phương

Tin cùng chuyên mục