Theo đó, Nanogen được phân công thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất vaccine Nano Covax cấp quốc gia. Hiện quá trình thử nghiệm đang vào giai đoạn 3 (cuối cùng) với quy mô trên 13.000 người (đã có 1.000 người tiêm thử nghiệm mũi 1).
Về việc gửi kiến nghị cấp phép khẩn cấp cho vaccine lên Thủ tướng, Nanogen lý giải là “thể hiện sự mong muốn lớn nhất của đơn vị”, đồng thời “thay mặt người dân để sớm có vaccine Covid-19, an tâm quay trở lại cuộc sống”.
Trả lời lý do xin cấp phép khi vaccine đang thử nghiệm bước đầu ở giai đoạn 3, đại diện Nanogen cho rằng, kiến nghị đó “không nóng vội”, mà xuất phát từ cơ sở khoa học là đánh giá của Học viện Quân y và Viện Pasteur TPHCM, hai đơn vị độc lập được Bộ Y tế chỉ định trực tiếp thử nghiệm. Đặc biệt, qua các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vaccine khác trên thế giới là không hề thua kém, thậm chí có phần cao hơn, trong khi giá bán “rẻ nhất thế giới”.
Về vấn đề này, chiều 23-6, Bộ Y tế đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, vaccine trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là quan trọng nhất. Giai đoạn 3 được thực hiện trên quy mô lớn với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine. Kết quả của giai đoạn 3 sẽ quyết định việc vaccine đó có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không. Kể cả sau khi đã được phê duyệt, các loại vaccine đó đều phải liên tục bổ sung, cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của vaccine trong quá trình sử dụng.
“Cũng giống như thông lệ quốc tế, tất cả vaccine Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ”, Bộ Y tế nêu rõ.