Vài cảm nghĩ về tập thơ "Lãng quên thì thầm" của Nguyễn Hồng Vinh

Tôi không biết làm thơ, nhưng cũng theo dõi các trang thơ của một số tờ báo, các tập thơ của những tác giả quen biết.
Vài cảm nghĩ về tập thơ "Lãng quên thì thầm" của Nguyễn Hồng Vinh

Tôi không biết làm thơ, nhưng cũng theo dõi các trang thơ của một số tờ báo, các tập thơ của những tác giả quen biết.

Lần này, nhận được “món quà” đẹp là tập thơ thứ 6 của PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, tôi đọc liền và cảm nhận đầu tiên là hầu như bài nào cũng hay, hay với nét riêng và mức độ đậm nhạt của từng bài. Đặc biệt là trước mọi diễn biến lớn của đời sống trong nước và quốc tế, anh Hồng Vinh đều lay động, đều thành thơ, với sức truyền cảm sâu xa…

Điều bao trùm trong thơ Hồng Vinh là sự chân thành trước điều hay cũng như điều chưa hay của hiện thực cuộc sống đa dạng, nhiều chiều trong thời đất nước đổi mới và hội nhập, nhưng qua thơ anh vẫn tươi nguyên lý tưởng và truyền niềm lạc quan, tin yêu giữa trùng điệp khó khăn: “Mất vụ này, cùng gieo tiếp mùa sau/ Qua đêm dài là bình minh tỏa rạng!”, “Những con thuyền lại vào lộng, ra khơi/ Ngọn hải đăng lung linh đêm tối/ Thắp sáng lòng người sau mỗi đợt bão giông” (Chiều Ba Lạt), “Sau đông, từng cành gân guốc/ Bình minh bung nở chồi non” (Cây vào đông), “Đám cưới chiều nay dựng rạp góc sân/ Mầm mạ lên xanh trên những khoảnh bùn” (Khoảnh mạ sân đình). Lên vùng cao Lào Cai gió tuyết, giữa bản làng heo hút còn gian khó trăm bề, anh cảm nhận và khẳng định sức sống trong lòng Dân: “Mạch đời

  Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh

đâu dễ đóng băng!” (Bâng khuâng Cốc Lếu). Với cuộc sống, sự nghiệp, những điều ấp ủ riêng tư của những người quen thân, anh thấu hiểu và sẻ chia bằng niềm vui bình dị: “Bỗng nhận thư anh/ Như hoa bừng nở/ Sắc xuân dâng tràn/ Tiếng Kiều đồng vọng…” , cho dù trước đó: “Đời Kiều chìm nổi/ Luận án nổi chìm!?/ “Sầu đông” dồn lại/ Xóa trọn ba xuân” (Mỏng manh). Trước nhiều vấn đề gai góc, bức xúc của cuộc sống, anh không tránh né, mà thể hiện rõ chính kiến của mình: “Khi cái ác đang lướt trên cái thiện/ Khi lẽ phải bị bẻ cong, chà đạp/ Khi dối lừa, lật lọng chính bản thân/ Đâu hy vọng lòng THAM bị diệt?!” (Nghĩ trước biển). Tôi nghĩ đó là “độ chín” của tác giả khi đã trải nghiệm những thăng trầm của cuộc đời.

Trong số báo vừa phát hành mới đây của tuần báo Văn nghệ TPHCM, tôi được đọc bài viết của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý về tập thơ này của Hồng Vinh với những nhận định tinh tế và thuyết phục khi nói về tình yêu quê hương, đất nước và tình yêu con người qua tập thơ. Ở đây, tôi cảm thêm một điều: cùng với chủ đề cơ bản đó, thơ Hồng Vinh còn đong đầy nỗi trăn trở trước những hiện tượng tiêu cực, vô trách nhiệm của không ít người trước cuộc sống trong thời cơ chế thị trường. Với bản lĩnh của người làm báo, làm công tác tư tưởng, trong các tập thơ trước đây, Hồng Vinh đã thẳng thắn chỉ ra và phê phán trực diện những hành vi thờ ơ, vô cảm, vị kỷ của không ít cán bộ, đảng viên: “Lặng im trước kẻ gian lộng hành/ Ức hiếp những dân lành”; “Trước kẻ cậy chức quyền/ Của công vơ đầy túi”… Anh cảnh báo: “Thảm họa không đến từ bom/ Từ làng người lặng im/ Trước giờ bom nổ!” (Lặng im). Trong tập thơ này, anh vẫn đeo đuổi chủ đề đó, với cái TÂM vạch rõ sự quyết liệt, đầy cam go trong cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm”.

Năm nay, nhân tròn 44 năm Hà Nội lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, anh viết: “44 năm vụt trôi, kể từ ngày ấy/ Đất nước vươn mình như Phù Đổng Thiên Vương/ Sạch bóng ngoại xâm/ nay diệt tiếp nội xâm/ Không máu đổ nhưng gian nan bề bộn/ Tiếp “cuộc chiến” vì lương tri, nhân phẩm/ Ngôi nhà xây trên nền những chiến công/ Chỉ vững chãi khi lòng dân đồng thuận”… (Từ những trang nhật ký 12 ngày đêm năm ấy). Hồng Vinh còn gan góc chỉ ra điều mà ai đó đang tự vỗ ngực răn dạy chúng ta phải tôn trọng “dân chủ”, “nhân quyền”: Càng nhận ra thứ “nhân quyền” “tự do” đích thực:/ Tự do bới móc đời tư “nhơ nhớp”…  Anh chỉ ra bản chất của thứ tự do tư sản một cách giản dị, dễ hiểu, nhưng cũng đầy chất thơ, ví như:“Chớ vội đặt NIỀM TIN ngây thơ/ Vào những kẻ chuyên dối lừa, tráo trở/ Vừa đưa cành ô - liu gọi mời/ Vừa rình rập trút đạn bom/ Xuống những nước “cứng đầu”/ Không làm theo ý họ” luôn có giá trị thực tiễn, thời sự, có ý nghĩa cảnh báo cả trong Đảng và trong Dân hiện nay (Thế giới năm 2016 - đôi điều suy ngẫm). (Về khía cạnh này, tôi cảm nhận có điểm khác với nhận xét của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý vì tôi coi đây là đóng góp mới của Hồng Vinh ở mảng thơ chính luận về thời sự, thế sự, nhất là khi đề cập các vấn đề đối ngoại nhạy cảm, phức tạp - mà người viết không dễ chút nào!)

Về chủ đề biển Đông, bài Biển gọi, theo tôi khá hay, nhất là câu “Thêm một lần, cát biển níu chân ta!”. Trong các tập thơ trước của anh, chủ đề này đều được Hồng Vinh đề cập sâu đậm, có tác dụng lay động, nuôi dưỡng tình yêu và trách nhiệm công dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi càng quý trọng anh khi được biết, trong hành trang làm báo của mình, tấm thẻ cử tri bầu cử Quốc hội khóa VIII ở Trường Sa ngày 20-7-1992 mang tên nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, đã được đặt trong Bảo tàng Báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam. Như vậy, từ các năm 1992, 1993, 1994, Hồng Vinh liên tục ra hầu hết các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn của Tổ quốc; vì lẽ đó, tôi rất thích câu thơ “Thêm một lần, cát biển níu chân ta”. Và đúng như anh viết: “Đã gọi Biển bao lần cả trong mơ và thực”… (Biển gọi)

Cùng hai chuyến đi vượt Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, cứu nước và ba chuyến đi ra Trường Sa; những hành trình dọc dài đất nước và tới nhiều quốc gia của Hồng Vinh đã là “chất bột” làm nên thơ anh đa dạng, giàu sức cảm và tính triết lý nhân văn… Thành tâm chúc anh có thêm những “mùa gặt” mới trong hành trình sáng tạo thơ ở thời điểm mà yêu cầu của người đọc ngày một cao hơn trước.

NGUYỄN VĂN ĐUA
(TP Hồ Chí Minh)

Tin cùng chuyên mục