Vẫn chỉ là hy vọng

Trước hết, phải thành thật với nhau rằng, dựa trên các thông số về thành tích, giấc mơ HCV là không thể với tới được ở đấu trường vĩ đại nhất thế giới sẽ khai màn vào cuối tuần này. Với những điều đầu tiên rất đáng trân trọng của đoàn thể thao Việt Nam, chúng ta có quyền hy vọng vào một kỳ tích nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít điều trăn trở.

Lần đầu tiên thể thao Việt Nam được quyền tham dự Olympic với số lượng môn thi nhiều nhất, 11 môn. Điều đáng chú ý, đa số các môn chúng ta tham gia đều mang tính phổ biến như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ, cầu lông, vật, đấu kiếm… Đây cũng là lần Việt Nam có số lượng VĐV dự Olympic nhiều nhất cũng là lần đầu tiên kể từ khi tham gia Thế vận hội 1980 đến nay, tất cả 18 suất dự này đều có từ nỗ lực thi đấu chứ không phải là những suất đặc cách hữu hảo. Và cũng vì thế, câu hỏi đặt ra: Chúng ta đến London 2012 để làm gì và làm như thế nào?

Với một nền thể thao đặt mục tiêu phải phát triển, phát triển hơn nữa, việc tiêu chí “Tham gia quan trọng hơn là chiến thắng” theo tinh thần Olympic đã không còn hợp thời. Olympic hiện đại 30 năm trở lại đây, chiến thắng luôn mang ý nghĩa lớn với cả một quốc gia, dân tộc. Do vậy, thể thao Việt Nam phải xác định rõ ràng là đến đấu trường Olympic là để giành huy chương! Xác định và quyết tâm với mục tiêu này không đồng nghĩa là chúng ta sẽ làm nên kỳ tích ngay nhưng phải như thế mới thay đổi được bản chất của cả nền thể thao trong định hướng và đầu tư.

Trên thực tế, Việt Nam đã có thành tựu: Võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân đoạt huy chương bạc ở Sydney 2000 và lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, huy chương bạc cử tạ ở Bắc Kinh 2008. Một môn mang tính lợi thế cho một quốc gia có tiềm năng về võ thuật và môn còn lại thuộc hoàn toàn về năng lực bản thân trong tập luyện. Như vậy, chúng ta có cơ sở để tin rằng bằng tập luyện và định hướng đúng đắn, chuyện đoạt huy chương và thậm chí là HCV hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, dù đã có những cơ sở vững chắc như vậy, cách chúng ta tiếp cận với Olympic vẫn còn nhiều vấn đề. Chuẩn bị lực lượng VĐV cho Olympic thông thường phải có kế hoạch từ 6 - 8 năm nhưng thể thao Việt Nam lại mới có kế hoạch từ khoảng 2 năm trở lại đây. Đã thế, còn xuất hiện sự lẫn lộn trong việc xác định mục tiêu khy dường như việc tìm cho thật nhiều suất dự Olympic quan trọng đặt ra các quyết tâm giành huy chương. Từ đó mới dẫn đến việc đầu tư mang tính dàn trải khi các môn có thể đạt thành tích như cử tạ, thể dục dụng cụ, taekwondo vẫn chỉ ngang bằng với các môn khác từ việc tập huấn, thi đấu quốc tế đến việc hưởng chế độ dinh dưỡng, thuốc men, chăm sóc y học. Câu chuyện về VĐV Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ) phải tập trong nước cùng dụng cụ cũ hay VĐV Nguyễn Thị Lụa (vật) tham gia quá ít giải cọ xát là ví dụ. Trong khi đó, môn khó đạt thành tích bởi đã có thông số cụ thể như bơi lội lại lùm xùm quanh chuyến tập huấn tại Mỹ một cách không cần thiết trong thời điểm cận kề như vừa qua.

Vì sao có những sự bất cập như vậy? Phải chăng điều đó đến từ việc từng có dự báo là thể thao Việt Nam có 30 - 40 VĐV vượt qua vòng loại và dự báo có đến 10 môn tranh chấp huy chương ở Olympic. Thực tế cho thấy đó là hoang tưởng. Dự báo nào cũng cần căn cứ trên thực tế và chính những dự báo mang tính cảm tính ấy khiến chúng ta tràn lan trong việc đầu tư để rồi đến thời điểm này, ngoài môn cử tạ vốn có thông số sẵn của lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn ra, các môn còn lại đều chỉ là phấn đấu, hy vọng. 

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục