
Trong định hướng vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuần qua, Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam TPHCM và Ban An toàn giao thông thành phố đã tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp tuyên truyền, vận động các giới, các tầng lớp nhân dân tham gia đội mũ bảo hiểm (MBH) trên toàn địa bàn thành phố.
- Vì sao người dân “lười” đội MBH?

Còn nhiều người điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm trên quốc lộ 52. (Ảnh chụp 29-3-2007). Ảnh: ĐỨC THIỆN
Theo ước tính của Sở Giao thông Công chính, địa bàn thành phố hàng ngày có khoảng 6 triệu người tham gia giao thông với chừng 150 triệu người đi lại nhưng chỉ có khoảng 4,5% sử dụng phương tiện công cộng, chủ yếu là xe buýt. Đáng chú ý là trong số hơn 95% số người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân thì đã có trên 80% sử dụng xe mô tô, xe gắn máy. Một thực tế tại TPHCM khi vẫn còn một bộ phận, thậm chí bộ phận không nhỏ người điều khiển mô tô, xe gắn máy không sẵn sàng, chưa tự giác đội MBH những khi leo lên con ngựa sắt của mình. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TPHCM đặt câu hỏi tại sao ai cũng hiểu MBH có tác dụng giúp phòng tránh chấn thương sọ não khi bị tai nạn giao thông, đồng thời nó cũng là thứ che chắn gió bụi khá tốt nhưng số người tự giác đội MBH vẫn chưa nhiều?
Nếu làm một cuộc điều tra mini, người ta hẳn sẽ dễ dàng tìm thấy hàng chục lý do được nêu lên để giải thích cho thực trạng tại sao nhiều cư dân thành phố còn “lười” đội MBH.
Bất tiện là lý do đầu tiên mà người ta thường đưa ra khi giải thích tại sao không đội MBH. Những bất tiện đại loại như cất MBH ở đâu khi dừng xe lại bởi treo móc ở xe thì không… an ninh nhưng chẳng lẽ đi đâu cũng mang vác kè kè giống như đang ôm “nồi cơm điện”; ngứa đầu không gãi được!
Thứ hai là những hạn chế liên quan đến chất lượng MBH, bởi theo ý kiến của nhiều người, tiêu chuẩn chất lượng của MBH hiện chưa phù hợp. Bằng chứng có nhiều: tấm kính chắn gió mau bị đục, từ đó làm hạn chế tầm nhìn của người đội mũ; hai tai không chịu được sức ép của mũ ở thời gian lâu; đặc thù thời tiết TPHCM quá nóng, đội MBH càng làm tăng cảm giác oi bức, khó chịu; kiểu dáng mũ không đẹp, trong đó các loại mũ do trong nước sản xuất đa phần đều theo kiểu dáng truyền thống của một “nồi cơm điện” (tròn, to, màu sắc đơn điệu, nặng)…
- Cần giải pháp tổng thể, căn cơ
Đã hơn hai năm kể từ khi TPHCM áp dụng các quyết định về kiểm tra xử lý người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội MBH trên những tuyến/đoạn đường quy định phải đội MBH. Thế nhưng các kết quả cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ “tạm chấp nhận được” và cũng chỉ ở các tiêu chí kềm chế sự gia tăng số vụ tai nạn giao thông, tỷ lệ tử vong chứ (việc đội MBH) chưa thực sự chuyển biến về cả ý thức lẫn thói quen trong nhân dân.
Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-Công an TPHCM nhận xét rằng rất nhiều người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành đội MBH. “Chỉ khi lực lượng kiểm tra tăng cường xử phạt và áp dụng hình thức phạt bổ sung tạm giữ phương tiện thì tỉ lệ chấp hành đội MBH mới cao” - ông Thịnh nói.
Như vậy, nếu chỉ đơn thuần gia tăng các hình thức kiểm tra hoặc tăng mức xử phạt hành chính thì chỉ có thể tạo ra được một số tác động tâm lý, trong đó người điều khiển phương tiện thiên về… đối phó! Nhưng nếu chỉ đơn thuần sử dụng từng giải pháp riêng lẻ như tuyên truyền hay vận động thì kết quả đạt được thường rất khiêm tốn, mang tính thời sự và hiệu ứng ngắn. Vấn đề ở chỗ để giải bài toán “người dân ý thức, tự giác đội MBH” thì rất cần có sự phối hợp nhiều biện pháp song song, đồng bộ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng phải đánh vào kinh tế, cần có khung phạt thật nặng với người vi phạm. “Bởi vì chính do cơ chế quản lý và hình thức xử phạt chưa phù hợp, thích đáng nên người dân chưa tự giác đội MBH” ông Hậu nói và cũng không quên đề nghị tăng mức phạt lên 2 triệu đồng thay vì chỉ 20.000-40.000 đồng/lần như quy định trong Điều 13 NĐ 152.
Thượng tá Phạm Văn Thịnh cũng nghiêng về chiều hướng điều chỉnh lại mức phạt bằng tiền mà không tạm giữ phương tiện vì biện pháp tạm giữ phương tiện thực tế gây rất nhiều khó khăn trong việc ra quyết định tạm giữ và trả phương tiện. Trong khi đó Phó giám đốc Trung tâm công tác xã hội thanh niên thuộc Thành Đoàn TPHCM Đinh Tung Hoàng lại đề xuất cần có quy định bắt buộc các bãi giữ xe phải giữ MBH cho khách cũng như giá giữ mũ phải thống nhất ở mức phải chăng nhằm tạo điều kiện khuyến khích người dân “chịu” đội MBH.
Có ý kiến cho rằng phải quy rõ trách nhiệm của nhà sản xuất và buôn bán MBH về chất lượng sản phẩm của mình theo đó họ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người đội MBH gặp rủi ro liên quan đến chất lượng mũ, một điều không phải không chính đáng ít nhất đối với trường hợp MBH sản xuất trong nước đã được kiểm định dán tem hợp pháp và người mua có chứng từ hóa đơn rõ ràng.
THIỆN NHÂN