Vẫn còn áp lực lên Chính phủ Ai Cập

Bắt đầu từ ngày 1-7 tới, các bộ trưởng trong Chính phủ Ai Cập phải thực hiện một loạt các biện pháp kinh tế và an ninh xã hội nhằm giảm bớt gánh nặng lên người dân. 
Theo Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail, các chính sách mới được thiết kế nhằm giảm các tác động của lạm phát tiêu dùng, vốn đã khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người Ai Cập, nhất là đối tượng có thu nhập thấp và trung bình. 
Hãng tin nhà nước MENA cho biết, theo chính sách mới, trợ cấp lương thực hàng tháng đối với những người sở hữu thẻ trợ cấp sẽ tăng hơn gấp đôi. Hiện có khoảng 71 triệu người Ai Cập được hưởng thẻ trợ cấp của chính phủ để mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như đường, gạo và dầu ăn. 
Tuần trước, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng đã ra lệnh tăng ngân sách phân bổ cho chương trình Takaful và Karamathu (Đoàn kết và nhân phẩm) chuyên hỗ trợ tài chính cho người nghèo, với khoảng 1,75 triệu người được thụ hưởng. Chính phủ cũng công bố tăng 10% mức lương cơ bản cho các nhân viên nhà nước không được bảo vệ theo Luật Dịch vụ dân sự mới. Ngoài ra, Ai Cập còn tăng 15% lương cho 10 triệu người về hưu. Ngày 27-6, nguồn tin chính phủ thông báo nước này đã điều trị thành công cho 1,1 triệu công dân mắc bệnh viêm gan C thông qua việc thực hiện kế hoạch do nhà nước bảo trợ nhằm loại bỏ virus gây bệnh...
Nền kinh tế Ai Cập đã trải qua giai đoạn suy thoái trong vài năm qua do bất ổn chính trị khiến nước này phải vay nợ các tổ chức tài chính quốc tế để phục hồi nền kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng. Từ tháng 7-2014, Ai Cập đã bắt đầu triển khai chương trình cải cách tài chính, nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách nhà nước đang gia tăng bằng cách cắt giảm trợ cấp và đưa ra các loại thuế mới nhằm đáp ứng yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên quan tới khoản vay 12 tỷ USD trong thời hạn 3 năm. Tháng 11-2016, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã thả nổi đồng bảng khiến đồng tiền này giảm một nửa giá trị so với USD. Tuy nhiên, bước đi này dẫn tới lạm phát tăng phi mã, lên đến 30,5%/năm vào tháng 4-2017. Đến tháng 6-2017, sau khi Ngân hàng Trung ương Ai Cập táo bạo nâng lãi suất thêm gấp 2 lần nhằm giảm lạm phát và các sức ép đối với tiêu dùng thì tỷ lệ lạm phát mới giảm. 
Đất nước Bắc Phi này hy vọng chương trình cải cách kinh tế và luật đầu tư mới được thông qua gần đây với những ưu đãi về thuế có thể giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nền kinh tế… Dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ mạnh vào Ai Cập một phần nhờ việc phát hiện ra các mỏ khí đốt có trữ lượng lớn ở sa mạc phía Tây (theo báo cáo ngày 19-6 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển - UNCTAD) nhưng vẫn là sức ép lớn đối với chính phủ của Tổng thống El-Sisi. Đặc biệt, trong bối cảnh thỏa thuận cho vay 3 năm của IMF lại gắn liền với các cải cách kinh tế mạnh mẽ, trong đó buộc chính phủ lại cắt giảm trợ cấp.

Tin cùng chuyên mục