(SGGPO).- Từ 1-8-2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực. Đến nay nghị định 46 đã có hiệu lực hơn nửa tháng, tuy nhiên tình trạng chạy xe trên vỉa hè vẫn còn diễn ra trên nhiều tuyến đường.
Vỉa hè bị vỡ nát
Tuyến đường Võ Thị Sáu có vỉa hè rộng, bằng phẳng, do vậy cứ vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều hàng loạt xe máy nối đuôi nhau chạy trên vỉa hè. Cũng trên tuyến đường này, trong tháng 7 vừa qua, Đoàn Thanh niên Khoa Quản trị Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã hoàn thành công trình thanh niên làm hàng rào bảo vệ cây xanh. Tuy nhiên đến nay một số hàng rào đã bị ngã đỗ hoàn toàn, trong đó có nguyên nhân là do xe chạy trên vỉa hè va quẹt làm ngã hàng rào.
Vỉa hè trên đường Võ Thị Sáu đoạn gần vòng xoay Dân Chủ đã vỡ nát. Ảnh: QUANG KHOA
Tại vòng xoay Dân Chủ, đoạn vỉa hè ở cuối đường Võ Thị Sáu đã vỡ nát tạo thành nhiều hố. Có đoạn vỉa hè được đổ bê tông nhưng vẫn hư tổn. Một người dân thường xuyên đi làm qua khu vực này cho biết, tôi thấy vỉa hè đã bị hư, có hôm không kẹt xe nhưng người ta vẫn chạy xe lên vỉa hè để quẹo qua vòng xoay. Chạy như vậy vừa hư đường, hư xe, dễ va quẹt với người đi trên vỉa hè, nhưng hình như người ta đã chạy thành thói quen rồi, không bỏ được.
Đường Võ Thị Sáu vào mỗi ngày buổi sáng. Ảnh: QUANG KHOA
Tương tự như đường Võ Thị Sáu, một số tuyến đường khác như Cách Mạng Tháng 8, 3 Tháng 2, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… cũng thường xuyên xảy ra tình trạng chạy xe trên vỉa hè vào các giờ cao điểm.
Chạy trên trên vỉa hè trên đường 3 Tháng 2. Ảnh: QUANG KHOA
Hiện nay nhiều người cho rằng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, đường hẹp nên phải chạy xe lên vỉa hè để giảm áp lực kẹt xe dưới lòng đường. Tuy nhiên tôi thấy điều này là không khả thi bởi vì khi chạy xe trên vỉa hè chỉ được một đoạn rồi phải xuống lòng đường để chạy tiếp, do vậy tại điểm từ vỉa hè chạy xuống lại lòng đường tạo nút cổ chai làm cho xe khó lưu thông hơn.
Một hiện trạng phổ biến hiện hiện nay chính là làm theo số đông của người đi đường. Cách đây không lâu vào giờ cao điểm buổi chiều tối, tôi chạy xe trên đường 3 tháng 2 theo hướng từ đường Cách Mạng Tháng 8 về Lý Thường Kiệt thì bị kẹt xe, lúc này nhiều người nhanh chóng leo lên vỉa hè để chạy tiếp. Tuy nhiên cũng có người tuân thủ đúng luật không chạy lên vỉa hè, nhưng lại bị người phía sau bấm còi hối thúc vì gây cản trở người phía sau chạy xe lên vỉa hè.
Chạy trên vỉa hè sẽ bị ghi hình phạt nguội
Chia sẻ với chúng tôi về tình trạng xử phạt chạy xe trên vỉa hè vào các giờ cao điểm, Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp Phó Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TPHCMcho biết, Theo khoản 2, điều II, phần I, Thông tư 04/2008/TT-BXD có quy định hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.
Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
Với các quy định nêu trên cho thấy hè phố, lề đường chính là phần đường dành cho người đi bộ tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện cơ giới chạy xe trên hè phố, lề đường thì đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và khi đó người đi bộ không có phần đường dành riêng cho mình nên buộc phải đi dưới lòng đường, như vậy sẽ tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra va quệt giữa các phương tiện cơ giới và người đi bộ dẫn đến tai nạn giao thông.
Căn cứ Điểm c Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
Căn cứ Điểm g Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
Xác định hành vi người điều khiển phương tiện cơ giới chạy xe trên hè phố, lề đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Phòng cũng đã quán triệt CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát hiện những trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới chạy xe trên hè phố, lề đường thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác cho thấy, tình trạng người dân vi phạm hành vi nêu trên lại thường diễn ra vào các giờ cao điểm trong ngày, mật độ phương tiện tham gia giao thông, khi đó lực lượng CSGT chủ yếu tập trung điều hòa, phần luồng giao thông, hướng dẫn, nhắc nhở người điều khiển phương tiện tuân thủ quy định của pháp luật, hạn chế tối đa công tác xử phạt vì có thể ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT vào thời điểm đó.
Công trình thanh niên làm hàng rào bảo vệ cây xanh của Đoàn Thanh niên Khoa Quản trị Trường Đại học Kinh tế TPHCM mới hoàn thành đã bị ngã đổ. Ảnh: QUANG KHOA
Nói như vậy không có nghĩa là sẽ không xử phạt. Hiện nay, tại một số giao lộ trên địa bàn thành phố đã có lắp đặt hệ thống camera cố định để quan sát tình hình trật tự ATGT, ghi nhận các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, chúng tôi còn triển khai bố trí các tổ công tác ghi hình bằng camera di động sau đó tiến hành in bản ảnh, hoàn tất hồ sơ phiếu báo xác định hành vi vi phạm, gửi Thông báo vi phạm đến chủ phương tiện vi phạm thông qua Công an phường, xã, thị trấn nơi chủ phương tiện cư trú để yêu cầu chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở CSGT để giải quyết.
Thông qua việc ghi hình các vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Phòng CSGT ĐB-ĐS sẽ có đủ cơ sở để tiến hành xử phạt đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới chạy xe trên hè phố, lề đường.
QUANG KHOA