
Chiều 5-8-2002, bảng quảng cáo “Hoa của bà nội trợ” bằng khung sắt có kích thước 12mx16m đặt trên sân thượng căn nhà 3 tầng số 62/2A ấp Đông Lân (vòng xoay An Sương xã Bà Điểm huyện Hóc Môn) đã đổ sập sau một lơn lốc mạnh. 4 căn nhà bị tấm bảng và dàn khung đè sập, đồng thời nhiều thanh sắt rơi trúng làm hư hại nhiều căn nhà khác.

Sáng 12-8-2005, hàng loạt biển quảng cáo có chân đế trên dải phân cách đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) bị gãy đổ.
6 giờ sáng ngày 12-8-2005, tấm bảng quảng cáo của Công ty Quảng cáo Sài Gòn ở độ cao 12m đã đổ ập xuống bãi xe của Công ty Thiết bị phụ tùng Đà Nẵng gây hư hỏng nhiều xe máy. Tấm bảng này rộng 8mx16m được kết cấu khung sắt V7 và dầm U15 nặng hàng chục tấn nhưng hai chân đế khá mong manh.
Trưa ngày 10-5-2005, từ tấm bảng quảng cáo “Bảo hiểm Bảo Minh” của Công ty Quảng cáo Đất Việt trên nóc nhà cao tầng 355 Điện Biên Phủ (P15 Q. Bình Thạnh), 2 thanh sắt lớn, dài bị rơi xuống nóc nhà số 361 của tiệm giặt ủi Hồng Hoa làm vỡ toang tấm tôn kính và suýt gây thương vong cho một phụ nữ.
Một thanh sắt khác đã làm thủng mái căn hộ phía sau và nhiều thanh sắt khác văng khắp nơi. Cũng trong ngày này, trên dải phân cách đường Điện Biên Phủ, hàng loạt biển quảng cáo có chân đế rộng 8m2 cũng đã bị gió quật rơi xuống đường.
Trên đây chỉ là một phần nhỏ trong số những vụ gãy, đổ bảng quảng cáo mà chúng tôi đã ghi nhận được. Sau sự cố ngày 5-8-2002, TPHCM đã có những quy định rất cụ thể như cấm không được đặt các bảng quảng cáo bằng khung sắt bao quanh mặt tiền các công trình, trên sân thượng, nóc nhà, nóc cao ốc. Đồng thời cũng phân cấp cho phép các quận, huyện được cấp phép đặt biển quảng cáo ở các nơi công cộng với quy mô diện tích nhất định.
Thế nhưng trên thực tế, lợi dụng việc cho phép quảng cáo in trên tấm bạt ốp sát vách tường, nhiều doanh nghiệp quảng cáo đã dùng thủ thuật chỉ ốp vào vách từ 20cm đến 30cm và phần trên vẫn còn là khung sắt. Họ làm kín đến độ cứ tưởng là những tấm quảng cáo này nằm gọn trong vách. Theo quy định, những bảng quảng cáo ngoài trời ở những nơi trống phải có giấy phép của Sở Xây dựng nhưng tất cả đều phớt lờ.
Vấn đề an toàn đối với các bảng quảng cáo ngoài trời hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ. Vẫn còn khá nhiều trường hợp vi phạm nhưng biện pháp xử lý vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trường hợp bảng quảng cáo Bảo hiểm Bảo Minh trên đường Điện Biên Phủ, khi xảy ra tai nạn, Công ty Quảng cáo Đất Việt chỉ xuất trình một bản photo đơn xin phép gởi phòng VHTT quận Bình Thạnh.
Vì không có thẩm quyền cấp phép nên phòng VHTT đã chuyển đơn về sở với ý kiến thuận. Ngoài ra không có giấy phép đặt bảng quảng cáo cũng như ý kiến thẩm định công trình của cơ quan chức năng. Điều đó cho thấy chính đơn vị này đã thực hiện công trình trước khi có giấy phép và khi xảy ra tai nạn mới bị UBND phường 15 lập biên bản đình chỉ. Thay vì sau khi xảy ra sự cố nguy hiểm, tấm biển này phải được tháo dỡ nhưng chỉ vài ngày sau nó lại được gia cố hoàn chỉnh và tồn tại đến hôm nay.
Ngoài vấn đề cảnh quan đô thị, việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân đối với các bảng quảng cáo ngoài trời là vấn đề cần được quan tâm hơn hết. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có những quy định thật chặt chẽ buộc các công ty quảng cáo phải tuân thủ triệt để. Có như vậy, mùa mưa bão năm 2006 sắp đến mới tránh được tai họa cho người dân.
LÊ DU AN