
Theo kế hoạch, trong tuần này HĐND TPHCM sẽ họp và Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) cùng một số sở, ngành khác sẽ phải tham gia trả lời chất vấn của đại biểu HĐND và cử tri TPHCM. Cho đến thời điểm này, với những câu hỏi mà Sở TNMT đã nhận được, có thể nói công tác bảo vệ môi trường sẽ là một trong những chủ đề làm “nóng” nghị trường.

Một đoạn kênh Tân Hóa ngập rác. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Những đơn vị gây ô nhiễm
Chất vấn đến từng đơn vị gây ô nhiễm cụ thể, đó là nội dung của hầu hết các câu hỏi mà Sở TNMT đã nhận được từ các đại biểu HĐND TPHCM.
Đại biểu Nguyễn Thanh Dũng ở quận 9 đưa ra 5 câu hỏi thì đã có đến 4 câu nêu lên những câu chuyện cụ thể như: Công ty Sản xuất lon bia Crown tại phường Hiệp Phú gây tiếng ồn và xả khí độc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, Công ty Việt Thắng Jean cũng tại phường Hiệp Phú, Công ty Dệt Phong Phú, Công ty Lâm sản Mỹ nghệ Suối Tiên tại phường Tân Phú xả nước thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, Sở TNMT xử lý như thế nào?
Ông Dũng còn chỉ ra địa điểm đất để hoang hóa vừa gây lãng phí vừa bị biến thành nơi đổ rác của một đơn vị bưu chính-viễn thông. Đại biểu Nhữ Thị Hương ở quận 7 cũng chỉ đích danh: Nhà máy Thép Hoàn Thành gây ô nhiễm môi trường; cử tri ở các tổ 20, 21 khu phố 2 phường Tân Thuận Đông đã kiến nghị việc này nhiều lần nhưng chưa thấy ngành chức năng xử lý.
Đại biểu Nguyễn Văn Bạch ở quận Tân Bình đặt vấn đề Công ty Dệt Việt Thắng nằm ở phường Linh Trung quận Thủ Đức xả nước thải có hóa chất ra kênh Nhum; Công ty TNHH Việt Nam Pai Ho; Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tuấn Lan (khu công nghiệp Tân Tạo); Doanh nghiệp Phạm Thu, Khôi Nguyên ở huyện Hóc Môn… xả nước thải, khí thải ra các kênh Tham Lương, Tân Tạo, Bà Cả, Bến Cát, rạch Nước Lênh, sông Vàm Thuật….. Sở TNMT đã kiểm tra và xử lý các đơn vị ấy chưa?
Đến những vấn đề tổng quát
Những câu hỏi mang tính tổng quát không nhiều, nhưng nó lại bao trùm lên hầu hết các “ngóc ngách” của môi trường thành phố.
Đại biểu Đặng Văn Khoa, quận Bình Thạnh, cho biết, ông sẽ đặt vấn đề về chất lượng môi trường ở các quận ven. Ông Khoa nói: “Tối 3-7-2009 một số người dân ở huyện Bình Chánh đã gọi điện thoại phản ánh tình trạng nhiều kênh, rạch đang bị ô nhiễm trầm trọng. Đây là cơ sở để tôi chất vấn ngành chức năng và các đơn vị liên quan”. Việc chây ì, không chịu di dời của các “ông lớn” sản xuất gây ô nhiễm trong nội thành cũng sẽ được đưa ra bàn luận.
Hai đại biểu Đặng Văn Khoa và Nguyễn Văn Bạch khẳng định như thế. Riêng ông Đặng Văn Khoa còn lưu ý đến các nhà máy sản xuất thuốc lá và dệt nhuộm không chịu di dời. Công tác phát triển mảng xanh tại các khu dân cư mới chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, thậm chí có chủ đầu tư còn “lơ” luôn cả hạng mục này, cũng sẽ được nhiều đại biểu HĐND TPHCM đặt vấn đề ai phải chịu trách nhiệm và hướng xử lý sắp tới của thành phố?
TPHCM ứng phó như thế nào với biến đổi khí hậu toàn cầu trong việc chống ngập nước và bảo vệ môi trường? - đại biểu Đặng Văn Khoa cho biết sẽ đặt câu hỏi này với UBND TPHCM.
Nhiều đại biểu HĐND quan tâm đến tình hình sử dụng đất đai của thành phố và đề xuất nâng mức cho thuê đất đai lên sát với giá thị trường để hạn chế tình trạng “cho thuê lại kiếm lời”, hoặc vì giá cho thuê rẻ quá mà nhiều đơn vị thuê xong… bỏ trống. Việc lập và sử dụng quỹ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người dân bị giải tỏa trong dự án (quỹ 156) đã được triển khai ra sao?
Theo nhiều đại biểu, dường như trong thời gian qua, quỹ này hoạt động không hiệu quả bởi phần lớn người dân bị giải tỏa chưa được hỗ trợ thích đáng trong việc dạy nghề và tạo việc làm mới, đặc biệt là người dân nông thôn.
Nguyễn Khoa