Văn hóa âm thanh

Văn hóa âm thanh

Âm thanh là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Ta thử tưởng tượng một xã hội, một môi trường im lìm không có một tiếng động, không có một âm thanh nào thì sẽ ra sao.

Một tiếng chim hót làm ta thư thái, tiếng kẽo kẹt của rặng tre già làm ta nhớ đến cả một mùa hè làng quê yêu dấu, một giọng ca vút lên làm ta nhớ đến một thời chinh chiến hay một mối tình lãng mạn khó quên… len lỏi trong những con phố sớm chiều tiếng rao xưa của cô phở gánh “phở gánh đây” nghe nhè nhẹ, thơm thơm. Tiếng “Tào phớ” kéo hơi dài quen thuộc của anh bán món tào phớ chiều chiều thấy ấm áp con hẻm nhỏ… Âm thanh là cuộc sống, là hơi thở tâm hồn.

 Nhưng bây giờ không phải như vậy nữa rồi. Cái lãng mạn, cái hiền hòa của âm thanh đang bị “chế biến” và lạm dụng quá mức cần thiết. Buổi sáng sớm lúc vừa mở mắt cho đến đêm hôm khuya khoắt ta nghe đủ thứ âm thanh hỗn tạp của những chiếc loa đủ cỡ, đủ loại để rao mua, rao bán. Từ cân kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp dạo, ép dẻo bằng lái xe, chứng chỉ bằng cấp, mua ve chai phế liệu v.v… và v.v… Nội dung tiếng rao thì thôi khỏi phải nói, nào thuốc chuột, keo dính chuột mà được quảng cáo cả một tràng: “Trung tâm công nghệ hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm tuyệt hảo mà không có loại hóa chất nào có thể so sánh được, đó là keo dính chuột…”. Đố ai biết cái “trung tâm công nghệ hóa màu” ấy nó ở đâu? Ai quản lý nó? Khắp các phố to, phố nhỏ dù ngóc ngách đến mấy thì mấy cái loa mua ve chai cứ ra rả “Mua tivi tủ lạnh, mua máy bơm nước, mua thùng P.U, mua hộp quẹt Zippo, đồng hồ Seiko, máy bơm nước...” chỉ cần đứng một lúc là đã có vài ba xe gắn máy cà tàng gắn loa đi qua. Tôi cứ “nghĩ khôn nghĩ dại” rằng những thứ bỏ đi ấy sẽ được đem đến nơi nào đó tân trang, tút tít, sơn phết lại để thành sản phẩm “mới nguyên”, lạng quạng ta lại mua phải nó.

 Những năm gần đây các cửa hàng bán thời trang, quần áo, điện thoại di động, quán phở, quán cà phê, thậm chí các sạp tạp hóa vỉa hè… đều sắm loa thùng có công suất rất lớn thi nhau ra rả và cạnh tranh với nhau. Chỉ khổ cho người nghe.

 Hồi tôi học lái xe, trong luật có quy định âm thanh còi xe và bóp còi như thế nào trong khu dân cư nhưng có ai thực hiện đâu. Còi điện, còi hơi bóp vô tội vạ, rú máy nẹt pô vô tư. Xe máy cũng gắn còi hơi của ô tô. Có những loại còi khi bóp lên kêu “pằng pằng” kéo dài như súng liên thanh, làm người đi đường hoảng sợ, giật mình, loạng choạng và thực tế đã có người bị còi xe gây tai nạn. Người ta quy định âm thanh đường phố là 65 - 70 decibel nhưng những khảo sát gần đây cho thấy có lúc lên đến hàng trăm decibel hoặc hơn nhiều. Ở nước ngoài, những con đường chạy qua khu dân cư đều có những bức tường rất cao để cách âm, đảm bảo sự yên tĩnh cho người dân.

 Hôm có mấy người bạn bác sĩ Hà Lan và Pháp sang làm việc với cơ quan, ngày nghỉ, dẫn mấy anh chị đi chơi ngắm nghía thành phố, đến mỗi nơi một chút. Đi bộ dạo phố, leo lên xe buýt, vào quán ăn bình dân, shopping, tối vui chân dẫn vào một sàn dancing cho biết cái “mở cửa” của ta… ngồi chưa được nửa giờ đồng hồ phải vội đi ra quán cà phê ngồi bởi tiếng nhạc, tiếng ca đinh tai nhức óc và mùi thuốc lá làm các vị chịu hết nổi. Ra quán cà phê lại gặp đám thanh niên choai choai nói chuyện như la hét coi như chốn của riêng mình. Trong lúc chờ cà phê, nhìn các vị thấm mệt, tôi hỏi anh bạn ngồi kế bên: “Thế nào, hãy nói cho tôi nghe cảm giác đầu tiên bạn ở thành phố chúng tôi?”. Anh ta nhìn tôi, một cái nhìn rất thật “too noisy, noisy every where” - quá ồn ào, ồn ào khắp mọi nơi. Tôi chỉ biết im lặng và gật đầu.

 Ngồi nghĩ lại thời gian học hành và trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, từ trong nhà ra phố bình yên quá. Hôm tới nhà anh bạn chơi nhìn từ trên lầu xuống đường mà tôi cứ tưởng như một dòng sông xe cứ êm đềm, lặng lẽ… trôi, không một tiếng còi. Ngồi ở phòng khách của nhà anh tôi cứ nghe tiếng nhạc du dương trầm bỗng rất nhẹ, tôi cố quan sát để tìm chiếc loa để ở đâu mà không thấy, nó cũng giống như ở các quán cà phê vậy, tiếng nhạc nhẹ nhàng làm cho tâm hồn người ta lâng lâng và có cảm giác như được hấp thụ trọn những khúc tình ca ấy. Không phải cái cách nghe nhạc chát chúa như mình. Trong sàn dancing người ta có thể vừa khiêu vũ vừa tâm sự rất thoải mái, còn mình có mà hét vào tai nhau cũng không thể nghe được. Càng vào những nơi đông người thì người ta càng có ý thức giữ trật tự, nói với nhau rất nhẹ. Có lần anh bạn cùng đi với tôi trong lúc xếp hàng mua vé vào rạp, vô tình giẫm lên chân một phụ nữ, chị kia nhẹ nhàng “sorry” rồi chị xin rút chân của chị ra. Ra ngoài anh nói với tôi “dân này kỳ thật, mình giẫm lên chân người ta mà người ta xin lỗi mình là sao?”. Tôi nói “Người ta thành nếp sống văn hóa rồi ông ơi, giá mà ông gặp mấy ả bên mình chắc ông được xơi đủ thứ no bụng rồi phải không?”.

Minh họa P.S

 Trước lúc rời nhà anh bạn bác sĩ ra về tôi chợt nhìn thấy con Vic khá lớn và đẹp, có vân đồi mồi vàng nâu óng ánh mà viện tôi tặng anh năm trước đang nằm dưới gầm tủ kính. Tôi có chút chạnh lòng vì cứ nghĩ cái quà quý kia phải được treo vào nơi trịnh trọng hơn chứ, ví dụ trên bức tường hoa phòng khách chẳng hạn. Thấy tôi hơi lăn tăn anh bạn nói liền: “Nó nằm ở đó là đúng rồi, mai mốt tôi cho nó ra bể nước trước nhà đang xây dở kia kìa, bởi nó là con vật bơi dưới nước và bò trên bãi cát mà”. Trời, vậy mà nhà mình có hai con tôm hùm khô ông bạn ở Viện Pasteur Nha Trang tặng mấy năm nay cứ treo lên tường chưng, vậy là đặt không đúng chỗ rồi.

 Xã hội và nền sản xuất đang đi lên, cuộc sống cũng đang thay đổi, nhưng con người đang phải chịu đựng những ô nhiễm về nguồn nước, không khí và thực phẩm bẩn. Bây giờ lại đang chịu ô nhiễm về âm thanh thì quả là “khó sống”. Âm thanh hợp lý là nhu cầu cần thiết nhưng tiếng ồn đang làm “rối loạn” không gian bình thường của chúng ta. Ai quản lý chuyện này? Hình như chưa có văn bản nào cấm chuyện làm ồn nơi công cộng? cấm loa thùng phát nhạc của các cửa hàng, phạt còi hơi, còi điện ô tô… Đã đến lúc ta cần có một nếp sống văn hóa âm thanh văn minh cho phù hợp với môi trường, xã hội và sức khỏe con người mới.

HOÀNG THẠCH

Tin cùng chuyên mục