Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, báo chí nước ta bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập, đồng hành với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của đất nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Mỗi ngày, trên mỗi tờ báo, chương trình phát sóng, có biết bao câu chuyện hay, nóng hổi hơi thở cuộc sống. Thời gian qua, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong giai đoạn mạng xã hội bùng phát. Rõ ràng, để viết nên một câu chuyện thành công của một tờ báo trong thời đại số là câu hỏi không dễ trả lời đối với không ít cơ quan báo chí.

Trước tiên, cần nhìn vào 3 trở lực chính đối với báo chí trong khoảng 10 năm trở lại đây. Sự bùng phát của mạng xã hội đã kéo theo xu hướng báo chí đếm lượt xem (view), hướng đến công nghệ như một cứu cánh. Cuộc đua không cân sức đã làm cho các cơ quan báo chí mệt nhoài sau những thay đổi chắp vá và dịch chuyển nhân sự. Đại dịch Covid-19 một mặt thúc đẩy chuyển đổi mô hình hoạt động của các tòa soạn, một mặt triệt tiêu nguồn lực quảng cáo do cộng đồng doanh nghiệp gặp những khó khăn kéo dài. Kế đến, sự chậm chân trong việc hình thành mô hình kinh doanh mới, cộng với việc thiếu chiến lược nội dung và phân phối làm cho các cơ quan báo chí càng khó hơn.

Tuy nhiên, trong khó khăn, đã xuất hiện các mô hình vượt trội, giúp cơ quan báo chí vươn lên nhờ vào việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và kể cả đa dạng hóa nền tảng phân phối nội dung. Những thế hệ người làm báo mới đang xuất hiện như một lực lượng sản xuất nội dung mới tương ứng với tri thức mới, phương tiện hiện đại và kết nối thông minh hơn. Đặc biệt hơn, môi trường báo chí đang ngày càng trở lại với giá trị thực chất, thông qua việc trả lời hai câu hỏi viết cho ai và viết để làm gì?

Đến đây, có thể hình dung văn hóa báo chí như một khái niệm cần có cho một quá trình vượt qua thách thức, ngược dòng để trở về với cội nguồn của báo chí cách mạng, mà 2 thành tố không thể thiếu là tiên phong và đổi mới. Văn hóa tổ chức vừa có thể thúc đẩy, vừa có thể kéo lùi quá trình sáng tạo. Nhưng với tính tiên phong và đổi mới của báo chí cách mạng, cơ quan báo chí đang có những điều kiện thuận lợi chưa từng có để tự làm mới mình. 3 thuận lợi trước mắt có thể kể ra: chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, và nguồn nhân lực. Trong đó, đáng chú ý nhất là vấn đề nguồn nhân lực. Các thế hệ người làm báo đi qua chiến tranh, được “trui rèn trong lửa đỏ” đang dần mai một. Khoảng trống nhân lực ấy đang được tiếp nối bằng những thế hệ người làm báo trẻ trung, năng động và thích nghi nhanh với sự đổi mới. Cứ nhìn vào số liệu tuyển sinh của các khoa báo chí, truyền thông, có trường tuyển sinh đến hàng ngàn sinh viên cho mỗi khóa, cho thấy sức hút của nghề báo nói riêng và công nghệ truyền thông trong giai đoạn hiện nay.

Nếu cô đọng thách thức của báo chí thật ngắn gọn, thì cũng không qua hai chữ tiên phong và đổi mới cho thời điểm này. Dù là thời đại số hay thời đại nào khác, tiên phong và đổi mới gắn với sự lựa chọn. Sự lựa chọn lịch sử trong quá khứ viết nên những trang sử báo hào hùng. Sự lựa chọn tiên phong và đổi mới của báo chí ngày nay viết tiếp câu chuyện bản sắc và văn hóa báo chí thời đại số.

Thời nay, để lựa chọn đúng đắn, người làm báo cần phải có con mắt tinh tường, minh định mọi việc. Bởi lẽ, thế giới ảo luôn mang theo nó những điều huyễn hoặc, như tin giả, tin sai sự thật. Người làm báo, hơn ai hết, càng phải nghĩ đến văn hóa báo chí, trở lại với cuộc hành trình trăm năm của báo chí cách mạng Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục