Sự suy thoái của các dòng truyện tranh, sách thiếu nhi ngoại tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã tạo cơ hội cho truyện tranh, sách thiếu nhi trong nước trỗi dậy. Không những thế, đầu năm 2011, một số truyện tranh, sách thiếu nhi trong nước đang vươn ra tầm quốc tế.
- Truyện tranh xuất ngoại
Trong năm 2010, bộ truyện tranh “Danh tác Việt Nam” của Công ty CP Truyền thông - Giáo dục - Giải trí Phan Thị gây tiếng vang lớn trong dư luận. Được chuyển thể từ những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam như Chí Phèo, Tắt đèn (ảnh), Giông tố… các bộ truyện tranh đã tạo nên sự thu hút với bạn đọc nhỏ tuổi khi vừa bám theo nội dung của những tác phẩm quen thuộc trong nhà trường lại vừa được thể hiện bằng hình vẽ một cách gần gũi, hiện đại.
Phát huy kết quả đạt được, đầu năm 2011 Phan Thị đã làm việc với Văn phòng đại diện Xúc tiến văn hóa Việt-Nhật nhằm chuyển ngữ các tác phẩm trong bộ “Danh tác Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên một tác phẩm truyện tranh Việt Nam được chuyển ngữ và xuất bản tại Nhật Bản. Không những thế, vì “Danh tác Việt Nam” thực tế là dựa trên tác phẩm văn học nên việc xuất bản bộ sách này tại thị trường Nhật còn được coi là một bước đệm, tạo điều kiện để văn học Việt Nam trong tương lai có thể bay xa.
- Khó khăn chuyển ngữ
Thông tin sách của Nguyễn Nhật Ánh xuất ngoại đầu xuân 2011 ban đầu không được nhiều người chú ý, vì nhiều năm trước sách của nhà văn thiếu nhi nổi tiếng này đã từng được in và xuất bản tại Nhật. Thực tế hai việc xuất bản này hoàn toàn khác nhau.
Lần xuất bản tại Nhật trước đây là do một nhà văn Nhật tình cờ đọc và say mê tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nên tự tiến hành chuyển ngữ. Việc xuất bản mang tính cá nhân nhiều hơn. Còn lần xuất ngoại này lại hoàn toàn khác, nhà văn ký hợp đồng chính thức với NXB Nanmee Books (Thái Lan) để chuyển ngữ và xuất bản tác phẩm sang tiếng Thái Lan. Không những thế, nhà văn còn ký hợp đồng với một số NXB quốc tế khác để đưa sách ra nước ngoài.
Điều này là một sự khích lệ lớn vì trước đây việc xuất khẩu tác phẩm thường mang tính bị động. Tác giả hay cá nhân tự chuyển ngữ, tự tìm kiếm kênh xuất bản, phân phối, dù là tác phẩm nổi tiếng việc xuất bản cũng hoàn toàn do các cá nhân chủ động thực hiện.
Thế nhưng, mọi việc cũng không phải dễ dàng. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là việc chuyển ngữ. Tác phẩm nước ngoài khi vào Việt Nam thường do dịch giả người Việt chuyển ngữ. Ưu điểm của việc này là có thể thay đổi, chỉnh sửa các kiểu chơi chữ, văn hóa của tác phẩm gốc sao cho phù hợp với văn hóa trong nước.
Điều này là một sự khích lệ lớn vì trước đây việc xuất khẩu tác phẩm thường mang tính bị động. Tác giả hay cá nhân tự chuyển ngữ, tự tìm kiếm kênh xuất bản, phân phối, dù là tác phẩm nổi tiếng việc xuất bản cũng hoàn toàn do các cá nhân chủ động thực hiện.
Thế nhưng, mọi việc cũng không phải dễ dàng. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là việc chuyển ngữ. Tác phẩm nước ngoài khi vào Việt Nam thường do dịch giả người Việt chuyển ngữ. Ưu điểm của việc này là có thể thay đổi, chỉnh sửa các kiểu chơi chữ, văn hóa của tác phẩm gốc sao cho phù hợp với văn hóa trong nước.
Như vậy, các tác phẩm trong nước khi chuyển qua ngôn ngữ nước ngoài cũng rất cần một dịch giả người bản xứ, vừa am tường tiếng Việt vừa giỏi văn chương, văn hóa bản xứ. Đây là một rào cản lớn mà trước nay các tác phẩm trong nước khi đưa ra thế giới hay gặp phải.
Câu chuyện của Phan Thị hay của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mở ra một cánh cửa rộng cho việc xuất khẩu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Nếu thiết đặt được mối quan hệ tốt, tới đây các NXB quốc tế có thể hỗ trợ tìm kiếm dịch giả, quảng bá tại thị trường, giới thiệu tác giả, sau đó có thể giúp thu phí bản quyền, bảo vệ quyền tác giả…
TƯỜNG VY