
(SGGP-12G).- Trong buổi giao lưu giữa Ban tổ chức cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi với các nhà văn được NXB Kim Đồng tổ chức tại TPHCM vừa qua đã bất ngờ diễn ra một cuộc tranh luận lý thú. Từ cuộc tranh luận này, một vấn đề khúc mắc của văn học thiếu nhi trong nước đã được bộc lộ rõ.
Chuyện hai thế giới
Cuộc thi sáng tác văn học cho lứa tuổi từ 4 đến 10 do NXB Kim Đồng cùng Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức nằm trong dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi do Chính phủ Đan Mạch tài trợ từ năm 2006 đến 2010. Cuộc thi này đã diễn ra đến kỳ thứ ba, sau hai lần thi với các chủ đề khác nhau.
Cuộc thi lần đầu diễn ra năm 2006-2007 có chủ đề “Tình bạn tuổi thơ” tập trung vào đề tài quan hệ bạn bè. Lần hai diễn ra vào năm 2007-2008 tập trung vào đề tài “Một ngày kỳ lạ” hướng tới kích thích trí tưởng tượng của bạn đọc. Và lần này, với chủ đề “Bước qua hai thế giới”, tập trung vào yếu tố giả tưởng, kỳ ảo. Chủ đề này được coi là thời thượng, được bạn đọc nhỏ tuổi hiện nay rất chú ý sau hàng loạt các tác phẩm văn học dịch thuộc thể loại này đạt được thành công trong nước.

Thiếu nhi vẫn rất ham đọc, vấn đề là người sáng tác có thể tạo nên sản phẩm hấp dẫn các em hay không
Thế nhưng, cũng chính cái tên “Bước qua hai thế giới” lại gây tranh cãi. Hàm ý của ban tổ chức là muốn các tác giả khi sáng tác tập trung vào yếu tố kết hợp giữa thế giới hiện thực và thế giới kỳ ảo nhằm đưa bạn đọc nhỏ tuổi bay bổng trong những thế giới tưởng tượng nhưng cũng không hoàn toàn tách rời khỏi thế giới hiện thực.
Tuy nhiên, nhà văn Trần Nhã Thụy đã là người đầu tiên phản biện, anh cho rằng cái tên hai thế giới dễ tạo nên sự hiểu lầm là ám chỉ thế giới âm dương. Ý kiến này đã làm các nhà văn tranh luận, người thì cho rằng chủ đề như trên không thể gây hiểu lầm, người khác thì cho rằng điều đó không hẳn chính xác.
Ngay như trong tác phẩm Tôi là Bê Tô của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã rất khéo léo khi đề cập đến sự sống và cái chết cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Cuối cùng, nhà thơ Cao Xuân Sơn đã chốt cuộc tranh luận này bằng ý kiến rằng: “Thế giới giả tưởng cũng được mà thế giới sinh tử cũng không sao, quan trọng là tác phẩm đó hay, đem lại những suy nghĩ lạc quan, những hiểu biết đúng đắn về thế giới cho các bạn đọc nhỏ tuổi”.
Giả tưởng, kỳ ảo - lớp da quyến rũ
Ý kiến của nhà thơ Cao Xuân Sơn đã làm cuộc thảo luận quay về bản chất: Thế nào là một tác phẩm hay cho thiếu nhi? Phải nói rằng phong trào sáng tác văn học cho thiếu nhi hiện nay không hề sụt giảm. Ngược lại, qua những lần tổ chức thi vừa qua đã có rất nhiều bản thảo gửi đến cho thấy sáng tác văn học cho thiếu nhi vẫn được quan tâm nhiều.
Tuy nhiên, sáng tác thì nhiều nhưng ấn tượng lại không được bao nhiêu. Lý do thì có nhiều nhưng theo bà Lê Thị Dắt, trưởng ban tổ chức cuộc thi thì có lẽ điều còn thiếu nhất ở các sáng tác hiện nay là cách thể hiện còn chưa thu hút được bạn đọc nhỏ tuổi.
Một sự thật đang diễn ra là thiếu nhi thích đọc truyện kỳ ảo, giả tưởng, nhưng trong số hơn 1.300 bản thảo gửi về dự thi những năm trước không có một tác phẩm giả tưởng, kỳ ảo nào, tất cả thuần túy là hiện thực!
“Dĩ nhiên, miêu tả thực tế không có gì là sai, thậm chí còn rất tốt nhưng cũng như một món ăn, cứ lặp đi lặp lại thì dễ cảm giác nhàm chán”, bà Lê Phương Liên, Trưởng ban thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét.
Cũng theo bà Liên, giả tưởng, kỳ ảo hay bất cứ một thể loại nào khác trong văn học chỉ thuần túy là một lớp áo nhằm làm nổi bật những tư tưởng của nhà văn. Lấy đơn cử như bộ truyện nổi tiếng Harry Potter, nếu bỏ qua yếu tố phép thuật thì những gì tác giả muốn nhắn gửi khá đơn giản, đó là quan niệm về điều thiện và điều ác, về dũng cảm và hèn nhát, về tình bạn và tình yêu…
Chính vì vậy, cuộc thi văn học thiếu nhi lần này đặt nặng yếu tố kỳ ảo, giả tưởng. Không phải chỉ là chạy theo phong trào mà ở đây còn là một cố gắng nhằm thay đổi thói quen tư duy trong sáng tác cho thiếu nhi của nhiều nhà văn trong nước hiện nay. Một cố gắng nhằm đem lại cho văn học thiếu nhi Việt Nam một sự khởi sắc trong tương lai.
Tân Tường