Cụ thể, như Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019, Quốc hội phân giao 429.300 tỷ đồng vốn đầu tư công. Số vốn giao kế hoạch chi tiết đã đạt hơn 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán Quốc hội giao. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, chỉ bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (50%). Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm mờ trong bức tranh sáng về kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019.
Còn nhớ, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2018, Bộ Tài chính cũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đạt hơn 203.500 tỷ đồng, đạt gần 51% kế hoạch Quốc hội giao. Trước đó, cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ này đạt 46,65%.
Tỏ rõ quyết tâm muốn chữa dứt điểm căn bệnh này, Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo dứt khoát: Chính phủ sẽ cắt, chuyển vốn dự án đầu tư công tại nơi giải ngân chậm sang các địa phương, bộ, ngành khác hiệu quả hơn. “Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này tiền vẫn không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được”, người đứng đầu Chính phủ trăn trở.
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng, có những vướng mắc trong luật hiện hành. Luật Đầu tư công có nhiều quy định, một mặt khiến cho việc phê duyệt dự án từ chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư chặt chẽ hơn, hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải, tùy tiện như trước đây, nhưng mặt khác, đòi hỏi các thủ tục phức tạp hơn, thời gian để hoàn thiện hồ sơ một dự án lâu hơn. Quy định về thời gian chuẩn bị đầu tư cũng chưa phù hợp, khiến cho nhiều chủ dự án phải vừa chuẩn bị, vừa thi công nên chậm tiến độ, khó đảm bảo chất lượng. Tới đây, kể từ ngày 1-1-2020, Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực, có thể góp phần đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tất nhiên, tác động đến công tác này còn có rất nhiều luật khác nữa, như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng…
“Nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng hơn nằm ở công tác điều hành. Đặc biệt là ở thời điểm “cuộc chiến” chống tham nhũng đang rất quyết liệt, công tác chuẩn bị đại hội các cấp đang được gấp rút triển khai nên có một bộ phận không nhỏ cán bộ ngần ngại, chây ỳ, không muốn làm, hoặc làm chậm vì sợ đụng chạm, sai sót”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. Lưu ý rằng việc sử dụng vốn đầu tư công sao cho hiệu quả “không khó đến như vậy”, ông Cung dẫn chứng: Trong 9 tháng đầu năm, bên cạnh 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, vẫn có đến 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% (trong đó, 4 bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%).
Rõ ràng, nếu chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, nghiêm túc, thủ tục hành chính giải quyết nhanh gọn, đảm bảo thời gian luật định, bộ ngành và HĐND có thẩm quyền sớm bàn bạc, thống nhất chủ trương thì tiến độ và chất lượng dự án đầu tư công hoàn toàn có thể cải thiện được. Trong đó, vai trò của người đứng đầu dám quyết, dám chịu trách nhiệm có ý nghĩa quyết định. Bên cạnh đó, theo ông Cung, trong thẩm quyền của mình, Chính phủ cần điều hành luồng vốn đầu tư công một cách linh hoạt, dứt khoát, quyết đoán theo hướng không rải vốn mành mành, mà tập trung cho những dự án thực sự có khả năng triển khai, phát huy hiệu quả sớm, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Đầu tư công hiện chiếm gần 11% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019. Nhiều dự án sử dụng nguồn lực này có ý nghĩa lan tỏa rất lớn, một khi bị ách tắc sẽ “kéo lùi” tất cả các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng đến hiệu quả huy động vốn xã hội. Vốn đầu tư công ứ đọng còn gây lãng phí lớn khi Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn, đẩy nợ công tăng cao, dự án thiếu hiệu quả... Do vậy, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công cần phải là công việc trọng tâm trong điều hành của các cấp, ngành trong năm nay.