Nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn Văn Lê (ảnh) từng là người lính của chiến trường Đông Nam bộ, làm phóng viên Báo Văn nghệ Quân giải phóng, Văn nghệ Giải phóng, Văn nghệ, vừa cầm súng, vừa cầm bút ở mặt trận 479. Sau năm 1975, ông về làm việc tại Hãng phim Giải Phóng. Người lính Văn Lê “Nếu có chết xin làm ma nước Việt. Để muôn đời ôm ấp với non sông” ở thời bình vẫn giữ nguyên khí phách kiên cường của một người lính và tình yêu, tâm hồn hướng về cội nguồn. Những sáng tác của ông dù ở lĩnh vực nào cũng đậm chất văn hóa truyền thống và thấm đẫm tình yêu của ông đối với tổ tiên, dân tộc…
PV: Ở lĩnh vực văn học, ông là nhà văn, nhà thơ. Ông viết khỏe và viết khá đều tay ở nhiều thể loại. Các tác phẩm của ông đa phần về người lính, ông thậm chí đề cập cả những vấn đề mà nhiều người còn né tránh. Xin ông cho biết quan niệm sáng tác của riêng ông?
Nhà văn, nhà biên kịch VĂN LÊ: Quan niệm sáng tác của tôi là không có quan niệm gì cả. Những gì tôi cảm thấy trong người nặng nề thì mượn cây viết làm phương tiện để giải thoát. Có thể vì thế mà tôi viết nhiều về chiến tranh. Trong lúc hầu hết các nhà văn viết về thời bình thì tôi lại cứ khư khư bám vào thời chiến, giống như “quạ rỉa xác” vậy. Trong lúc người ta viết về hôm nay thì tôi lại viết về hôm qua. Người ta đổ xô vào viết về tuổi mới lớn thì tôi lại quẩn quanh viết với người già. Khốn khổ thân tôi. Tôi là người ngược ngạo, không thức thời chăng? Chịu. Biết sao được. Cái nghiệp sai khiến làm gì thì làm. Chẳng thay đổi được!
- Ở lĩnh vực điện ảnh, ông lại là một nhà biên kịch, một đạo diễn. Trái với văn chương, những tác phẩm phim tài liệu của ông tràn ngập hơi thở cuộc sống hiện đại, những vấn đề thời sự gai góc và những dấu ấn về những vùng đất, con người… Ông cho khán giả cảm nhận về một Văn Lê luôn di chuyển, quan sát, viết và làm sống động những hình ảnh của cuộc sống xung quanh qua những thước phim. Có cảm giác phim tài liệu là một tình yêu khác của ông, dù thể loại này vẫn chưa được xã hội quan tâm đúng mức…
- Ngay từ đầu, lúc rời khỏi quân ngũ về Hãng phim Giải Phóng, tôi đã chọn phim tài liệu, đơn giản vì tôi thích thể loại này. Nó đậm chất đời thường, xù xì, chân thật và cũng không kém phần lãng mạn. Tự thân mỗi thước phim đã nói lên nhiều điều. Phim tài liệu giúp cho người làm phim ký thác được tâm tư nhiều hơn, giúp cho người xem tiếp cận được với sự thật nhiều hơn và chia sẻ được với mọi người nhiều hơn. Những vấn đề xảy ra của ngày hôm qua, ít nhiều vẫn cần có lời giải của hôm nay.
Phim tài liệu thường khiến người ta phải soi lại mình, phải trằn trọc suy tư. Ngặt nỗi, người ta làm biếng suy nghĩ, lo yên phận thì mình thay đổi thế nào được? Thời nay người ta có quá nhiều thứ để quan tâm: Đói thì quan tâm đến cái ăn. No cũng quan tâm đến ăn, đến chơi và quan tâm đến thứ để được ăn, được chơi. Phim tài liệu thường “khoắng đũa” vào sự yên ổn của người ta, làm cho họ nhột, né, ghét, nên đòi người ta phải quan tâm thì đợi đến tết Công-gô! Hái sao trên trời có khi còn dễ hơn.
- Vừa mới đây, tại giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh VN, kịch bản phim truyện nhựa “Long Thành cầm giả ca” của ông được trao giải xuất sắc nhất. Ông cũng đã từng nhận rất nhiều giải thưởng về phim tài liệu, nhưng với phim truyện thì đây là lần đầu tiên. Phải chăng điều này là động lực khiến ông muốn tiếp tục sáng tác?
- Làm phim ở ta khó lắm, kiếm được người có tâm, có kiến thức về cuộc sống, có trách nhiệm, muốn “lòi cả con mắt”. Nhiều người làm phim ở ta đã dốt nhưng ngất ngưởng lắm. Chê người khác thì dùng đủ thứ ngôn ngữ đầu đường xó chợ, nhưng lại dễ thỏa hiệp, bằng lòng với mình. Dựng cảnh các thôn nữ phơi vải thời xưa mà lại dùng vải khổ thước tư, thước sáu thì hãi thật. Dựng cảnh thời chống Pháp mà dùng súng AK làm đạo cụ là thua rồi.
Điện ảnh ăn nhau ở hiện thực, chi tiết, nhưng người ta không biết cách làm một cái áo rách thế nào cho đúng thì làm phim thế nào được. Diễn viên đòi thù lao cao nhưng lại không thuộc thoại, ngại làm xấu thì diễn “ngon” làm sao…? Đó cũng là lý do mà tôi “chào” sáng tác kịch bản phim truyện. Nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với lòng yêu quý thủ đô, yêu quý cụ Nguyễn Du, tôi đành phải nuốt lời. Tôi muốn thử thời vận xem sao? Nào ngờ cũng ổn. Được thể làm tiếp xem thế nào. Biết đâu lại chẳng ngã chổng kềnh cũng nên!
- Nhiều nhà văn chuyển hướng sang sáng tác kịch bản phim truyện chuyên nghiệp với những đề tài ăn khách, phù hợp thị hiếu công chúng và họ đã “sống tốt, sống khỏe” với công việc được xem là đang “hot” trong giai đoạn hiện nay. Tại sao ông lại luôn chọn cho mình những thể loại gai góc, khó thu hút công chúng như thể loại phim lịch sử?
- Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Sự tồn tại và phát triển của đất Việt ta đã chứng tỏ điều đó, chẳng cần phải bàn cãi. Trong quá trình phát triển có lúc thịnh, lúc suy. Vậy thì vì sao thịnh? Do đâu suy? cần phải xem xét nghiên cứu ở nhiều khía cạnh. Hiểu được điều đó sẽ nhận ra tương lai của đất nước mình, dân tộc mình. Trong “Minh Mạng chính yếu”, nhà vua từng nói với các quần thần rằng: “Nước ta phải lớn về mặt đạo đức”. Điều này đã xác tín tâm thế của nhà vua là ngài coi đạo đức làm trọng.
Đó là Văn. Là nền tảng của mọi nền tảng. Quốc gia mạnh về đạo đức, kẻ thù sẽ quan ngại. Quốc gia yếu về đạo đức, ngoại bang sẽ xem thường, đất đai bị đẽo gọt, xã hội sẽ rơi vào rối loạn. Vua chẳng ra vua. Quan chẳng ra quan. Dân chẳng ra dân. Vợ chẳng ra vợ và chồng chẳng ra chồng… Làm phim về lịch sử không chỉ giúp cho người xem nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của dân tộc, cùng các giá trị, mà còn cung cấp cho người xem có thêm kiến văn, tránh được vấp ngã không đáng có. Đó chẳng phải là điều nên làm sao?
- Ông vừa hoàn thành một kịch bản truyện nhựa lịch sử tựa là “Mỹ nhân” và 45 tập phim truyền hình lịch sử “Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh”. Từ chỗ viết một kịch bản hay đến chỗ có một bộ phim hay, hấp dẫn là một khoảng cách rất xa, nhất là đối với phim lịch sử, một thể loại vẫn còn yếu và thiếu nhiều thứ ở Việt Nam. Điều này không khiến ông bi quan?
- Lạc quan và bi quan là hai tính cách trong nhiều tính cách của con người. Bi quan thì rõ ràng là không hay rồi. Nhưng lạc quan thiếu cơ sở, có khi còn tệ hơn là bi quan. Tốt nhất là phải sáng tác như thế nào để hai tình trạng này không xảy ra. Trong sáng tác về đề tài lịch sử, tôi không phải chịu một áp lực nào cả. Thích thì viết. Cảm thấy gì tâm đắc với cha ông, có thể chia sẻ được với mọi người thì viết.
Vả lại, nếu không viết thì sẽ chẳng bao giờ biết được mình kém cỏi ở chỗ nào. Dân ta thích phim lịch sử lắm chứ. Đơn giản là phim Trung Quốc chiếu tràn lan khắp các nhà đài. Người xem thuộc sử Trung Quốc hơn sử ta. Nếu phim lịch sử do ta làm mà người xem không thích là lỗi thuộc thành phần sáng tác. Người xem thấy dở chê bai, chửi bới thì ráng mà chịu. Âu đây cũng là cái nghiệp.
Đã là nghiệp thì phải làm, phải viết thôi. Không làm, không viết mà ngồi trách thì không nên. Nếu viết tốt mà chưa lọt được cửa, hoặc chưa có tiền làm thì lỗi ở… Thánh Phêrô. Các cụ ngày xưa dạy: Phải làm thì mới quen tay. Làm nhiều thì tất sẽ giỏi.
- Cuối cùng, một câu hỏi hơi “vĩ mô”, ông đánh giá gì về những sáng tác điện ảnh của Việt Nam trong thời gian gần đây? (những tranh cãi xung quanh việc đạo kịch bản phim, những xu hướng sáng tác mang tính bản năng về đề tài tính dục...).
- Tôi cảm thấy có một cái gì đó đang “bốc mùi”, không lành mạnh, phát đỏ mặt khi bắt gặp quá nhiều sự giống nhau đến kỳ lạ trong các phim được trình chiếu ở rạp và trên truyền hình của ta thời gian gần đây. Đây là sự cố tình “đạo” của người khác hay là do “tư tưởng vĩ đại” gặp nhau, hoặc do “vô tình”, có lẽ chỉ có người trực tiếp làm ra sản phẩm mới có thể trả lời được. Cũng có một hiện tượng đáng xấu hổ khác là người sáng tác “cóp” ở phim Trung Quốc một ít, phim Mỹ một ít, phim Hàn một ít, xào xáo, phù phép thành “tác phẩm” của mình. Đúng là “năm cha, ba mẹ”.
Những sản phẩm loại này đôi khi được “lăng xê” trở thành một “hiện tượng”, một “luồng gió mới” và người đạo diễn trở thành một “tài năng đáng trân trọng” thật chẳng hiểu ra làm sao? Ăn cắp một lần, có thể cho qua, không bắt tội, nhưng tái diễn nhiều lần thì đúng là lưu manh. Hiện tại đang xuất hiện một trào lưu đáng xấu hổ khác là nhiều đơn vị “cóp” toàn bộ truyện phim của nước ngoài, thuê người viết lại rồi đặt cho nhân vật một cái tên thuần Việt và khoác cho phim một cái tên mới, thế là thành phim của mình. Lười biếng, trắng trợn đến như thế là cùng.
Loại này không đáng bàn. Người đứng đắn chả ai làm thế. Còn một hiện tượng khác là đưa tính dục quá nhiều vào phim. Thật ra tính dục chẳng có gì xấu, thậm chí là một phần thiêng liêng của con người. Đưa tính dục vào phim phải hợp lý. Đưa tính dục một cách vô lối, câu khách rẻ tiền, hoặc phơi cả “chỗ kín” ra ngoài thì đúng là phỉ báng con người. Người có chút văn minh chẳng ai làm vậy. Các cụ ngày xưa từng dạy: “Người ta có thể bị ghét, nhưng không được để bị khinh”. Để bị khinh là hết thuốc chữa rồi.
HÀ GIANG thực hiện
Những giải thưởng tiêu biểu của ông Giải phim tài liệu: 3 giải biên kịch xuất sắc nhất; 1 giải đạo diễn xuất sắc nhất; 1 giải vàng và 5 giải bạc; 2 giải A, 3 giải B (của Hội Điện ảnh VN); giải Galaxy của Truyền hình Nhật Bản… Giải thưởng văn học: Giải A cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ 1974 - 1975; giải B cuộc thi thơ của Văn nghệ Quân đội 1982; giải A về thơ của Hội Nhà văn VN (tập thơ “Phải lòng”); 3 giải về văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng: tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống”, tập thơ “Những cánh đồng dưới lửa” và tập thơ mới nhất “Mùa hè giá buốt” đoạt giải B (không có giải A) – giải thưởng 5 năm/lần… |