Con trai tôi đang học lớp 2 tại một trường tiểu học có tên tuổi ở quận 5 TPHCM. Tôi luôn gần con và hướng dẫn con học tiếng Việt, làm bài tập làm văn. Mỗi khi cháu làm bài tập làm văn, tôi thường khuyến khích con thể hiện ý tưởng, suy nghĩ độc lập để phát triển tư duy sáng tạo. Cháu đọc sách, truyện khá nhiều nên có nhiều ý tưởng hay, thể hiện lời văn trong sáng, ngộ nghĩnh. Mỗi khi kiểm tra, đọc lại bài văn nháp cháu viết, tôi rất vui vì con mình tả văn tự nhiên, miêu tả sự vật, cuộc sống xung quanh mình rất chân thật. Vậy mà, đến khi xem vở bài tập làm văn của con, tôi giật mình không nhận ra lời văn dễ thương mà con viết nháp ở nhà, thay vào đó là nội dung hoàn toàn khác.
Hỏi con thì cháu trả lời rằng cô sửa lại bài viết của con và bắt con viết lại theo ý của cô. Thái độ của cháu rất buồn khi nhắc lại việc phải làm theo văn mẫu của cô giáo. Ví dụ như khi cô yêu cầu tả về người thân yêu nhất, cháu chọn cậu em trai tên Bi của mình chứ không tả ba, mẹ, ông bà. Lời văn tả cậu em của cháu thật dễ thương, đọc xong tôi cũng thấy cảm động: “Con yêu em Bi nhất nhà vì trông nó mũm mĩm như một chú heo…”. Bài tập làm văn bị cô sửa lại hoàn toàn là con rất yêu ba. Không những thế cô còn thêm thắt đủ thông tin, tự đặt ra độ tuổi là 40, trong khi ba cháu mới hơn 30 tuổi…
Cháu bộc bạch rằng “cô tả ba mà con chẳng thấy giống ba mình chút nào”. Theo dõi tôi thấy, tất cả những bài văn cháu làm nháp ở nhà đều bị cô sửa lại với nội dung hoàn toàn theo văn mẫu chứ không hề tôn trọng suy nghĩ, tư duy sáng tạo của học sinh. Điều khiến tôi bất bình hơn nữa là sau khi bắt học trò chép bài văn mẫu của mình vào vở sạch chữ đẹp trông rất chuẩn thì cô luôn dành lời khen “hoàn thành bài làm rất tốt”. Như thế, chẳng khác nào cô tự khen sản phẩm của chính mình sáng tác chứ đâu phải của học trò (!?). Vợ chồng tôi đều có trình độ nên cảm thấy “sốc” với cách dạy văn - dạy trẻ làm người theo khuôn mẫu, rập khuôn như thế. Trong khi ở nhà phụ huynh luôn dạy con tự học, tự suy nghĩ theo cảm nhận tự nhiên về cuộc sống xung quanh thì cách dạy văn mẫu của cô giáo vô tình đã giết chết sự sáng tạo của trẻ. Nhiều lần tôi muốn góp ý với cô chủ nhiệm nhưng lại sợ cô tự ái và con mình bị ảnh hưởng. Và sợ con mất hứng, không thích làm văn, tôi đành nói: “Con cứ nhắm mắt lại suy nghĩ và tả theo những gì con cảm nhận được. Con viết văn rất hay, rất tình cảm. Còn khi cô sửa bài thì phải chép lại theo ý cô…”.
Thực lòng tôi quá ngán ngẩm với cách dạy học, bắt trẻ làm bài tập làm văn theo mẫu kiểu này. Ngành giáo dục cứ hô hào đổi mới, khuyến khích học sinh tự học, phát triển tư duy, năng lực cá thể… nhưng có bao nhiêu giáo viên lĩnh hội được tinh thần này?
VÂN NGUYỄN