Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa đề xuất UBND TPHCM một loạt biện pháp nhằm giải quyết căn cơ nạn xả rác, phóng uế bừa bãi trên địa bàn.
Bao giờ đường phố không rác?
Cũng giống như nạn lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán kinh doanh, tình trạng xả rác vô tội vạ cũng tràn lan, phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm toàn thành phố. Theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở TN-MT, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo các đề xuất chấn chỉnh tệ trạng xả rác này, khu vực nội thành trung tâm thành phố “bệnh” theo kiểu nội ô, còn vùng ngoại thành “bệnh” theo kiểu nông thôn, tức là chạy trời không khỏi… rác!
Những hành vi điển hình cho việc làm mất vệ sinh môi trường sống, mất mỹ quan đô thị ở nội thành là xả rác, xả nước thải, phóng uế bừa bãi trên lòng lề đường, vỉa hè, dưới dạ cầu, bến xe; vứt chuột chết ra nơi công cộng; tùy tiện đổ rác, chất thải vào hố ga công cộng, vào hệ thống thoát nước chung; vô tư xả thải xây dựng ra hè phố từ các công trình xây dựng… Còn ở nông thôn ngoại thành thường gặp hình ảnh trâu bò, gia súc, gia cầm được thả rong (và phóng uế) trên lộ; “hồn nhiên” vứt rác, tiểu hoặc đại tiện thẳng xuống sông, kênh, rạch…
Đáng chú ý ở chỗ có nhiều hành vi khác lâu nay tưởng là vô can, vô hại nhưng giờ đây đã được Sở TN-MT xác định và xếp vào loại vi phạm vệ sinh môi trường đô thị. Tiêu biểu là hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau (hành vi này thường gặp đối với các tụ điểm có tiết mục văn nghệ, phát loa quảng cáo công suất lớn, các quán cóc, điểm nhậu bình dân về khuya…); lắp đặt, xây dựng bậc, bệ dắt xe hoặc bậc tam cấp lấn chiếm hè đường; đặt, treo biển quảng cáo, trang trí không đúng nơi quy định hoặc đúng nơi nhưng treo không đúng quy cách…
Có người cho rằng ở TPHCM giờ đây đi tìm một mặt đường phẳng phiu, không vá víu, đạt chuẩn giao thông khó khăn như thế nào thì việc tìm được một hè đường, khu phố không rác cũng khó khăn như vậy.
Cần xử nghiêm
Có thể nói vấn nạn xả rác, phóng uế bừa bãi, không đúng nơi đúng chỗ trên toàn địa bàn thành phố là một thực tế kéo dài bao lâu nay. Tệ trạng ấy vừa làm mất vệ sinh môi trường sống của cộng đồng dân cư, vừa làm xấu xí bộ mặt mỹ quan đô thị.
Chánh Thanh tra Sở TN-MT Nguyễn Thị Dụ cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới tồn tại dai dẳng không đẹp ấy. Trước hết là do nhận thức của một bộ phận không ít người dân, khách vãng lai, khách tạm trú, người lao động về bảo vệ môi trường sống còn chưa tốt, chưa đồng đều trong khi nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ vẫn bất chấp luật pháp, công khai hoặc lén lút thải bỏ chất thải chưa qua xử lý vào môi trường, tức không hợp vệ sinh.
Về trật tự đô thị, nhiều tuyến đường, khu vực trong thành phố vẫn còn xảy ra tình trạng tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh trong khi những hoạt động tụ tập đông người và kinh doanh như vậy chính là tiền đề dẫn tới chất thải, rác thải vứt xả bừa bãi.
Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự công cộng tuy có ràng buộc cụ thể mức phạt bằng tiền, ở nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng Sở TN-MT cho rằng mức phạt ấy chưa đủ sức răn đe, cần phải được điều chỉnh theo hướng tăng mạnh gấp nhiều lần. Hiện nay theo Nghị định 73, mức phạt thấp nhất từ 60.000 đến 100.000 đồng cho những hành vi như đổ nước ra lòng đường, vỉa hè hoặc để gia súc gia cầm phóng uế nơi công cộng… cho đến mức phạt cao nhất vài chục triệu đồng, như phạt 30 triệu đồng cho hành vi sử dụng hè đường làm nơi họp chợ hoặc treo biển quảng cáo không đúng quy định.
Trong đề xuất của mình, Sở TN-MT cũng cho rằng do lực lượng thanh tra, kiểm tra các cấp còn mỏng nên thành phố cần dùng đến biện pháp xử phạt nóng xé biên lai kèm quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng. “Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh nạn xả thải, buôn bán mất trật tự đô thị tràn lan lâu nay”, bà Nguyễn Thị Dụ cho biết.
Giải thích về nguyên nhân lực lượng kiểm tra của các quận huyện, phường xã còn mỏng, Sở TN-MT cho rằng theo quy định hiện hành trong Thông tư liên tịch số 61/2012 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an, cơ quan chủ trì xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội chỉ được trích lại 30% trên mức phạt thế nhưng các hành vi vi phạm loại này có mức phạt rất thấp như đã nêu trên, nên mức trích lại 30% không đủ để đảm bảo hỗ trợ một phần chi phí cho lực lượng chức năng. Theo Sở TN-MT, mức trích lại này cần tăng lên, có thể lên tới 70%, giống như mức trích lại đang được áp dụng cho lực lượng cảnh sát giao thông.
| |
TRUNG KHANH