Sẽ không còn tình trạng “đường nhỏ, xe lớn”, đó là khẳng định của ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM khi nói về một trong những nét mới trong Quy hoạch Phát triển Vận tải hành khách công cộng thành phố đến năm 2020 mà Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch Kiến trúc vừa trình lãnh đạo thành phố tuần qua.
Ông Tính cho biết, trong quy hoạch, tư vấn đã tính toán và đưa ra được những giải pháp phát triển vận tải công cộng phù hợp với hệ thống đường giao thông hiện hữu. Theo đó, việc sử dụng các phương tiện giao thông sẽ được tính toán cho phù hợp khổ đường, phù hợp với tính chất của tuyến. Ví dụ, nếu đó là các tuyến huyết mạch, tuyến trục, xe sẽ là loại xe lớn. Hoạt động trên các tuyến nhánh là loại xe nhỏ hơn…
Trong những năm sắp tới, việc phát triển mạng lưới tuyến hay đầu tư phương tiện mới sẽ được tính toán trên cơ sở này, để TPHCM không còn tình trạng “đường nhỏ, xe lớn”, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông, ông Tính nói.
Một nét mới khác trong hoạt động vận tải công cộng trong thời gian tới: TPHCM đã chấp thuận cho xây dựng một trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng thống nhất. Các loại hình vận tải công cộng khác nhau như metro, xe điện, xe buýt…sẽ được kết nối thành một mạng lưới vận tải công cộng liên hoàn, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Nhà nước mua lại dịch vụ của doanh nghiệp và phân phối đến người dân. Người dân dùng những loại vé có thể sử dụng cho tất cả các phương tiện vận tải.
Ưu tiên cho xe buýt lưu thông đã từng được thực hiện ở TPHCM và đã từng bị xoá bỏ…. Tuy nhiên, trong Quy hoạch này, điều ấy đã được đưa vào lại và được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đồng tình. Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo, vào năm mới 2012, Sở Giao thông Vận tải phải chọn ra một số tuyến đường, ưu tiên cho xe buýt chạy và dần dần hạn chế các phương tiện khác.
Các phương tiện giao thông công cộng “sạch” sẽ được ưu tiên “hơn một bước”. Theo đó, các phương tiện giao thông “sạch” sử dụng khí CNG làm nhiên liệu sẽ được ưu tiên trong việc đấu thầu và tham gia thị trường vận tải. TPHCM xây dựng quy chế trợ giá theo hướng khuyến khích đầu tư phương tiện giao thông “sạch”.
Và khi đã hình thành một “đội hình” xe buýt sạch đông đảo, TPHCM sẽ giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối tìm và thương lượng với các đối tác có nhu cầu mua quyền phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Lượng khí thải mà các xe buýt sạch không thải ra, sẽ được tính toán để bán cho các đối tác này. Kinh phí thu được sẽ bổ sung cho hoạt động vận tải hành khách công cộng của thành phố.
Cùng với phát triển xe công cộng, ô tô cá nhân sẽ được quản lý chặt hơn. Quy hoạch đề xuất, TPHCM nên đề nghị Chính phủ xem xét không khuyến khích việc sử dụng ô tô cá nhân đồng thời tiến hành thu thêm một số loại phí đối với loại xe này. Phí sử dụng hạ tầng được thu trực tiếp từ các tài xế sử dụng đường… Phí chống ùn tắc giao thông sẽ thu khi phương tiện tham gia giao thông vào khu vực hoặc đoạn đường có mức ùn tắc giao thông cao… Ngoài ra nên có quy định hạn chế ô tô lưu thông trên một số con đường, một số khu vực vào giờ cao điểm hoặc trong các khu vực hạn chế khí thải.
Mặc dù phương tiện công cộng được định nghĩa một cách nôm na là “phương tiện chở thuê” nhưng Sở Giao thông Vận tải cùng các sở ngành liên quan đề xuất và đã được lãnh đạo thành phố chấp thuận: “siết” lại đội ngũ xe taxi. Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trên địa bàn thành phố đang có khoảng 12.600 taxi và từ ngày 1-6-2010 Sở Giao thông Vận tải đã ngưng không cho kinh doanh thêm taxi.
Tuy nhiên, số xe taxi này hiện đa phần hoạt động không hết công suất và do thiếu bến bãi lưu đậu, buộc phải đậu dưới lòng đường nên chúng đã là một trong những nguyên nhân lớn gây ùn tắc giao thông. Để có cơ sở “siết” lại hoạt động của xe taxi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chấp thuận cho Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu riêng một đề án cho việc phát triển loại xe này.
Tâm Đức