Vang dội “Âm thanh của biển”

Vang dội “Âm thanh của biển”

Theo đánh giá của nhiều du khách và giới thông tin đại chúng, hoạt động của Festival Biển Bà Rịa- Vũng Tàu 2006 (từ ngày 11 đến 15-4) đã thật sự đạt được tiêu chí “Thân thiện - Ấn tượng”mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đề ra.

Vang dội “Âm thanh của biển” ảnh 1

Trong những hoạt động chính thức của Festival Biển Bà Rịa- Vũng Tàu 2006, Lễ hội bắn súng thần công “Âm thanh của biển” được nhiều người hoan nghênh vì lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Là nghi lễ diễn ra sớm nhất trong ngày khai mạc Festival ở Bạch Dinh, “Âm thanh của biển” với 8 phát thần công vang vọng đất trời hòa quyện với tiếng trống trận đã thật sự gây ấn tượng với mọi người.

Những phát súng thần công gợi lại năm tháng oai hùng chống ngoại xâm của quân dân Vũng Tàu khi xưa không chỉ là bài học truyền thống lịch sử- văn hóa cho thế hệ trẻ mà hứa hẹn là sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn như mong muốn của chính quyền và ngành du lịch tỉnh.

Ở KDL Biển Đông, du khách có dịp thưởng thức các món ăn đặc sản trong nước và ngoài nước với sự chế biến của đội ngũ đầu bếp thuộc 32 doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh tại Liên hoan Ẩm thực biển.  Trong khi đó, KDL Paradise giới thiệu Triển lãm thành tựu KT- XH sau 15 năm thành lập, xây dựng và phát triển của Bà Rịa- Vũng Tàu...

Festival Biển 2006 còn có những hoạt động mang tầm quốc gia như triển lãm “Cổ vật từ đáy biển Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp tổ chức  với khoảng 1.000 hiện vật được sưu tầm từ 10 con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam.

Nơi đây còn có triển lãm thư pháp về biển- ngoài những chất liệu thường được sử dụng như giấy, lụa, gỗ còn có vỏ sò, ốc… Du khách cũng rất thích thú với vườn tượng ở Công viên Bãi Trước- kết quả của trại điêu khắc đá “Những điều kỳ diệu của biển”.

Trung tâm của công viên này còn được điểm xuyết bằng khoảng 200 tác phẩm ảnh nghệ thuật ngoài trời, những cụm tiểu cảnh với chủ đề “Biển và cuộc sống”- được trưng bày trong một không gian mở, mộc mạc, dân dã với xuồng, ghe, thúng, mủng, quang gánh, chòi tranh. 

Các hoạt động TD- TT diễn ra trong suốt thời gian lễ hội cũng là cách thu hút du khách như: thi đấu cờ người, bơi biển, đua thuyền, đua ghe ngo, thả diều nghệ thuật, nhảy dù trên biển… Đặc biệt, có không ít hoạt động lần đầu tiên xuất hiện trong các lễ hội ở nước ta như Hội thi đắp tượng cát với chủ đề “Thế giới cát” ở KDL Biển Đông (Vũng Tàu) do Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh tổ chức quy mô lần đầu tiên ở nước ta.

Dĩ nhiên, ấn tượng nhất vẫn là lễ khai mạc Festival ngập tràn âm thanh, sắc màu của trời biển ở sân khấu Bãi Sau vào tối 11- 4. Hơn 10.000 du khách và cư dân địa phương đã được chứng kiến sự kết nối giữa truyền thống đấu tranh oai hùng và quá trình dựng xây, phát triển kinh tế cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa của Bà Rịa- Vũng Tàu.

Lễ hội khép lại trong sự luyến tiếc của du khách, nhưng chắc mọi người không có gì phải phiền lòng vì sự thân thiện đã trở lại trong phong cách làm du lịch của phố biển. Dĩ nhiên sự thể hiện này có tác động không nhỏ của chính quyền địa phương trong việc gìn giữ trật tự trị an và kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục