Đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập: Hứa và chờ

Từ khi thực hiện chủ trương xã hội hóa đến nay, sân khấu TPHCM đã hình thành khá nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Chính sự xuất hiện của các đơn vị nghệ thuật này đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại đời sống văn hóa tinh thần cho người dân thành phố. Các đơn vị này còn có thể làm tốt hơn nữa, nếu như…        Chưa khai thác hết tiềm năng
Đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập: Hứa và chờ

Từ khi thực hiện chủ trương xã hội hóa đến nay, sân khấu TPHCM đã hình thành khá nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Chính sự xuất hiện của các đơn vị nghệ thuật này đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại đời sống văn hóa tinh thần cho người dân thành phố. Các đơn vị này còn có thể làm tốt hơn nữa, nếu như…

        Chưa khai thác hết tiềm năng

Từ Liên hoan sân khấu xã hội hóa lần 1 – 2006 tại TPHCM, các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập của thành phố đã cho thấy một tiềm lực mạnh mẽ của mình. Mỗi đơn vị đều góp mặt những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật nhất định, được giới chuyên môn đánh giá cao và thu hút đông đảo khán giả. Hàng năm, các đơn vị này cũng đều đặn tung ra nhiều vở diễn mới, phần nào đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Gần đây, Sân khấu Kịch IDECAF còn sẵn sàng đầu tư 400 triệu đồng dàn dựng nhạc kịch lịch sử Ngàn năm tình sử về danh tướng Lý Thường Kiệt, quy tụ đông đảo nghệ sĩ tham gia tập luyện nghiêm túc ròng rã suốt 5 tháng. Đó là những điều đáng trân trọng đối với các đơn vị ngoài công lập. Tuy nhiên, công bằng mà nói, bên cạnh những vở diễn có chất lượng nghệ thuật, hấp dẫn khán giả, một số đơn vị ngoài công lập còn có những vở diễn chạy theo cái hài dễ dãi, hoặc khai thác những cảnh “nóng” không cần thiết, bởi yếu tố… câu khách, doanh thu.

NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Thanh Thủy trong vở kịch Ngàn năm tình sử. Ảnh: ĐỖ HẠNH

NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Thanh Thủy trong vở kịch Ngàn năm tình sử. Ảnh: ĐỖ HẠNH

        Hứa hẹn và chờ đợi!

Sự năng động của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập ở TPHCM luôn nhận được những lời trầm trồ ngợi khen của nhiều đồng nghiệp ở các tỉnh phía Bắc và cả các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật ở cấp trung ương.

Ở Liên hoan sân khấu xã hội hóa lần 1 – 2006, trong những buổi tọa đàm, các nhà quản lý của nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập của TPHCM đã kiến nghị nhiều vấn đề cấp thiết, cần được sự hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển. Chẳng hạn về điểm diễn, trang thiết bị âm thanh ánh sáng, cơ chế chính sách ưu đãi… Tất cả những vấn đề này đều được hứa hẹn “ngày mai tươi sáng” và đặc biệt, với các đơn vị này, 2 năm một lần, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ phối hợp cùng Sở VH-TT (nay là Sở VH-TT-DL) TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức liên hoan, ngày hội cho những người làm sân khấu năng động.

Thế nhưng, đến nay, hầu hết những vấn đề đã nêu ra “vẫn còn nguyên giá trị”, liên hoan cũng chẳng hề diễn ra. Những lời hứa hẹn là vậy, nhưng thực tế lại khác. Cụ thể nhất là, ngay sau Liên hoan sân khấu xã hội hóa lần 1 – 2006, hai đơn vị: Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần và Sân khấu Kịch IDECAF có đề xuất gởi Cục Nghệ thuật biểu diễn hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Tuy nhiên, đến nay cả hai đơn vị này vẫn chưa được đầu tư như mong đợi.

Trong những lần trò chuyện, khi nhắc đến vấn đề này, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF luôn thở dài: “Hứa thật nhiều, chờ đợi cũng thật lâu. Chỉ có riêng dự án “Đưa kịch lịch sử vào trường học” gởi lên Sở VH-TT-DL TPHCM, sau 2 năm đeo đuổi, chúng tôi mới được hỗ trợ 200 triệu đồng để diễn 40 suất phục vụ. Phần nào cũng đỡ tủi thân sân khấu ngoài công lập”.

Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, đặt vấn đề: “Với hai đơn vị Kịch IDECAF, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B đều có giấy đề nghị gởi cục xem xét hỗ trợ, dù được hay không cơ quan này cũng nên có công văn trả lời chính thức. Đằng này, chẳng hiểu vì lý do gì mà cục lại để sự việc cứ trôi vào quên lãng như thế, thật không sòng phẳng với các đơn vị”.

Nghệ sĩ Phước Sang, “ông bầu” của Kịch Sài Gòn nói giọng buồn buồn: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhiều vấn đề, nhưng chưa thấy gì”.

Cùng tâm trạng như thế, NSƯT Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận, cho biết: “Những gì đề xuất, kiến nghị, chúng tôi đều đã nói hết rồi. Biết nói gì nữa đây. Thôi thì cứ đợi đến sau kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 10-2009 xem sao, mới có thể tính tiếp…”.

NSƯT Hồng Vân đi tìm điểm diễn mới ở rạp Kim Châu, quận 1, dù chỉ là tạm bợ. Ảnh: An Dung

NSƯT Hồng Vân đi tìm điểm diễn mới ở rạp Kim Châu, quận 1, dù chỉ là tạm bợ. Ảnh: An Dung

        Cần một tầm nhìn

Theo NSƯT Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Sân khấu TPHCM: “Mỗi dịp lễ, tết luôn cần những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng về nội dung lẫn hình thức để phục vụ tốt công chúng, tôi nghĩ thành phố nên có những chủ trương đầu tư, hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập”.

Nghệ sĩ Phước Sang đặt vấn đề cụ thể: “Hiện nay, chúng ta có quy hoạch nhiều khu công nghiệp để phát triển kinh tế hàng hóa. Trong khi đó, tác phẩm sân khấu là những hàng hóa “đặc biệt”, là động lực để phát triển xã hội, nhưng lại chưa có một quy hoạch nào cho các đơn vị nghệ thuật. Theo tôi, nếu như có những quy hoạch dành cho văn hóa, chúng tôi sẽ sẵn sàng đầu tư kinh phí (nếu không đủ tiền thì vay ngân hàng) để xây dựng những rạp hát hiện đại, phục vụ tốt khán giả. Nơi đó sẽ còn là “bộ mặt” văn hóa, nghệ thuật của thành phố, khi cần giới thiệu với bạn bè quốc tế”.

Tác giả Lê Duy Hạnh còn đưa ra một tầm nhìn: “Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, sân khấu chúng ta không thể nào cứ mãi quanh quẩn trong nước mà đòi hỏi phải vươn mình ra thế giới. Ở Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đang có những dự định đưa kịch đi biểu diễn tại một số quốc gia: Kẻ nói dối đa tình đi Hàn Quốc diễn, Cánh đồng bất tận đi Pháp diễn và Dạ cổ hoài lang đi Mỹ biểu diễn. Với những kế hoạch này, giới nghệ sĩ rất cần sự tiếp sức của Nhà nước. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm hơn nữa với các đơn vị ngoài công lập. Đây cũng là một vấn đề lớn sẽ được đưa ra bàn thảo tại Đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sắp tới”.

Đạo diễn Võ Trọng Nam, Trưởng phòng quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết: “Ngoài dự án Đưa kịch lịch sử vào trường học được xét hỗ trợ 200 triệu đồng, hiện nay, chúng tôi đã nhận được đề xuất hỗ trợ kinh phí dàn dựng hai kịch bản mới của hai sân khấu: Nhà hát Kịch sân nhỏ 5B và Kịch Phú Nhuận. Tuy nhiên, hai đề xuất này sẽ được đưa ra xem xét vào năm 2010, bởi hiện nay chúng ta hoàn toàn chưa có bất kỳ một nguồn kinh phí nào để hỗ trợ các đơn vị.

Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tính đến vấn đề đặt hàng các đơn vị ngoài công lập thực hiện tác phẩm tốt phục vụ công chúng. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện dự án và đề xuất nguồn kinh phí để hỗ trợ các đơn vị. Nếu không có gì thay đổi, trong năm 2010 sẽ chính thức triển khai dự án hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập có những đề xuất, kịch bản tốt”.

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục