Ngày nào cho tình nhân?

Sự tích về ông thánh Valentine thời La Mã cổ đại thế kỷ III được coi là đáng tin cậy nhất của ngày lễ tình yêu. Đại khái lúc ấy chiến tranh xảy ra liên miên nên hoàng đế Claudius II buộc phải ra một sắc lệnh cấm cưới xin để đàn ông có thể yên tâm xông pha trận mạc. Thánh Valentine âm thầm chống lệnh triều đình vẫn bí mật làm lễ thành hôn cho các cặp tình nhân. Ông bị bắt và kết án tử hình bằng cách kéo lê, ném đá cho đến chết. Ngày ông ra pháp trường 14 tháng 2 được lấy làm ngày “lễ tình nhân”.

Những truyền thuyết thánh thần về tình yêu ở Việt Nam từ cổ xưa đã có vài lần đề cập đến. Chẳng ít cũng không nhiều. Đầu tiên phải kể đến truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung thời Hùng Vương. Mối tình của chàng trai nghèo không manh khố với một công chúa đài các đã trở thành hình tượng bất hủ của tình yêu không phân biệt đẳng cấp xã hội. Mối tình ấy đơm hoa kết trái và tạo dựng được cơ đồ vẻ vang. Chử Đồng Tử về sau được tôn làm Thánh. Một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng thuần Việt.

Câu chuyện thần thánh thứ hai phải nhắc đến là chàng Trương Chi và tiểu thư đài các Mỵ Nương. Hai mối tình đơn phương của Trương Chi và Mỵ Nương đã không bao giờ được tác hợp thành đôi lứa nhưng đã trở thành biểu tượng của khát vọng tài sắc vẹn toàn. Trương Chi là anh chàng xấu giai có tiếng trong lịch sử văn học truyền khẩu “Ngày xưa có anh Trương Chi/ Người thì thậm xấu hát thì thậm hay…”. Xấu giai đến mức Mỵ Nương dù say mê tiếng sáo của chàng bao nhiêu đi nữa cũng không dám nhìn mặt. Nhưng Mỵ Nương trái lại sắc nước hương trời khiến Trương Chi gặp một lần cũng không thể quên được. Cho đến lúc xa rời cõi thế chàng còn biến hình thành viên ngọc nạm vào mạn thuyền của cha nàng. Để sau đó được diện kiến nàng thêm một lần nữa trong hình hài của một cái chén uống trà. Như thế đủ thấy người Việt cổ coi trọng nhan sắc trong tình yêu đến mức nào. Và cũng không khó để suy ra anh chàng Chử Đồng Tử lúc cơ hàn hẳn là một thanh niên tráng kiện đẹp đến “mê hồn công chúa”.

Câu chuyện tình kinh điển thứ ba mang màu sắc Phật giáo. Đó là chuyện Quan Âm Thị Kính. Nàng Thị Kính lấy được anh chồng Thiện Sĩ khá giả. Vì lỡ tay nhổ chiếc râu cằm thất đức mọc trên mặt chồng mà phải chịu nỗi hàm oan mưu sát chồng. Ta thấy rõ ràng lại một tình yêu đơn phương nữa được đưa vào truyền thuyết. Nhưng câu chuyện này còn có hơn một tình yêu đơn phương như thế nữa. Đó là tình yêu của Thị Màu dành cho Thị Kính. Nàng Thị Màu chẳng biết nhan sắc thế nào. Chỉ thấy truyện dân gian miêu tả về độ lẳng lơ của một cô nàng mới lớn. Thế nhưng lũ trẻ mới lớn bây giờ không hiểu câu chuyện theo lối truyền thống nữa. Chúng có cách lý giải và biện luận khoa học để chứng minh rằng Thị Màu hoàn toàn có thể yêu Thị Kính mà chẳng có nhầm lẫn nào ở đây cả. Căn cứ để biện luận hình như là Thị Kính bị Thiện Sĩ ruồng rẫy không hẳn chỉ vì tội mưu sát? Và hai đàn bà yêu nhau mê mệt là chuyện bây giờ hoàn toàn dễ hiểu.

Còn vài câu chuyện như thế nữa trong văn học cổ Việt Nam như Tống Trân-Cúc Hoa, Phạm Tải-Ngọc Hoa… Không chỉ là những áng thơ Nôm bất hủ mà những câu chuyện còn cho hậu thế thấy tình yêu hình như là thứ rất được cổ vũ và tôn trọng trong xã hội người Việt xưa. Dù rằng hai chữ “tình yêu” chưa một lần được nhắc đến trong hầu hết các tác phẩm ấy. Lễ giáo thời phong kiến ngoài những húy kỵ văn bản ra còn kiêng nhắc đến cả hai chữ “tình yêu” trong giao tiếp thì phải.

Sau vài ngàn năm kiêng cữ như thế cho đến tận đầu thế kỷ XX mới thấy xuất hiện chữ “yêu” trong vài cuốn tiểu thuyết và thi ca ái tình. Và người hăng hái tiên phong dùng chữ “yêu” trong thơ không ngần ngại đầu tiên phải kể đến nhà thơ Xuân Diệu. Thế nhưng “một lời là một vận vào khó nghe”(112-Kiều). Ông từng viết “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu…” và chính ông cũng từng trải ngần ấy nỗi niềm.

Giờ thì người ta thoải mái nói lời yêu nhau ở cả chỗ đông đảo nhân quần. Thậm chí in cả chữ lên áo mặc hàng ngày bằng mấy thứ tiếng. Thế nhưng Việt Nam vẫn không có ngày cho tình nhân của mình. Lỗi này hình như cũng có chút liên quan đến nền văn sử nước nhà. Đã không có sử sách nào chép lại được ngày tháng Trương Chi gặp Mỵ Nương và vân vân…

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục