Trẻ em - “món hàng hời” của chương trình truyền hình thực tế

(SGGPO).- Để lấy nước mắt khán giả, nhiều chương trình THTT khai thác tối đa hoàn cảnh éo le của các thí sinh nhí, bằng những câu hỏi “vô tình” của ban giám khảo và rồi thí sinh phải trả lời: “Ba mẹ mắc làm rẫy không dẫn em đi được” (trong một chương trình âm nhạc), “mẹ con chết rồi” (trong một cuộc thi nhảy)...
Trẻ em - “món hàng hời” của chương trình truyền hình thực tế

(SGGPO).- Để lấy nước mắt khán giả, nhiều chương trình THTT khai thác tối đa hoàn cảnh éo le của các thí sinh nhí, bằng những câu hỏi “vô tình” của ban giám khảo và rồi thí sinh phải trả lời: “Ba mẹ mắc làm rẫy không dẫn em đi được” (trong một chương trình âm nhạc), “mẹ con chết rồi” (trong một cuộc thi nhảy)...

Khoác áo mĩ miều, “bòn rút” trẻ thơ

“Giọng hát Việt nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Thử tài siêu nhí”, “Người hùng tí hon”... là nhan nhản các chương trình truyền hình thực tế (THTT) dành cho thiếu nhi đã và đang diễn ra. Đó là chưa kể các chương trình THTT như “Thách thức danh hài”, “Vũ điệu đam mê”, “Thử thách cùng bước nhảy”, “Vietnam Got Talent”... tuy không mở riêng cho người chơi nhỏ tuổi nhưng vẫn có rất nhiều gương mặt nhí từ 4-5 tuổi xuất hiện.

Các thí sinh nhỏ tuổi không đủ bản lĩnh để đối diện với nỗi thất vọng của sự chối bỏ tại các chương trình THTT

Khoác chiếc áo mĩ miều hào nhoáng là “sân chơi bổ ích”, “hành trình đam mê”... nhưng thực tế không ít người biết các chương trình mở ra thuần khai thác lợi nhuận, khi đó sân chơi trở thành sân khấu và người chơi nhí trở thành diễn viên, thậm chí con rối.

Đã là cuộc thi, cơ hội không dành cho tất cả mà các thí sinh sẽ rơi rụng dần nhưng các thí sinh nhỏ tuổi đâu đã đủ bản lĩnh để đối diện với sự thất vọng, nỗi khắc nghiệt của sự chối bỏ. Trong khi đó các phụ huynh tưởng chừng tỉnh táo hơn thì không, họ chỉ nhìn thấy giải thưởng và ánh hào quang sân khấu mời gọi con mình và không nhìn được những tủi hổ, ê chề nếu con không may rời khỏi cuộc chơi, và nếu đến đích cuộc chơi đi chăng nữa thì con đường showbiz sau đó quá phức tạp đối với những bước chân còn ngây thơ, bé nhỏ.

Nếu để ý sẽ thấy, các chương trình THTT luôn khai thác sự “lệch pha” về hoàn cảnh các bé, các clip hậu trường sẽ thấy những gia cảnh “đáng mơ ước” xuất hiện bên cạnh những phận đời cơ cực bần hàn. Điều đó “vô tình” gây ra sự tủi thân tự nhiên mà ở lứa tuổi các em khó có đủ bản lĩnh để bơ đi xem như không có gì.

Nếu một chương trình nhân văn hẳn sẽ không khai thác những góc khuất đớn đau của một đứa trẻ, vậy mà nhan nhản trên các chương trình THTT,  đáng tiếc, là những điều như thế. Chưa kể những nhận xét kém tinh tế, những cái cười ồ kém khả ái của những thành viên ban giám khảo trước những tài năng còn hạn chế của thí sinh.

Để lấy nước mắt khán giả, một số chương trình THTT đã khai thác tối đa hoàn cảnh éo le của các thí sinh nhí, bằng những câu hỏi “vô tình” của ban giám khảo và rồi thí sinh phải trả lời: “Ba mẹ mắc làm rẫy không dẫn em đi được” (trong một chương trình âm nhạc), “mẹ con chết rồi” (trong một cuộc thi nhảy)...

Những pha vô tình bị tụt quần của một cậu bé có ngoại hình đáng yêu nọ được diễn đi diễn lại nhiều lần qua các chương trình THTT khác nhau mà cậu tham gia; hay hết đoạn hài này đến đoạn hài khác của một diễn viên hài tên tuổi được cậu bé khác học thuộc từ lời thoại cho đến cử chỉ, điệu bộ. Hầu hết các tiết mục biểu diễn đó đều nhận được những tràng vỗ tay ca tụng từ khán giả trường quay, và các thí sinh nhỏ tuổi ấy sẽ hiểu thế nào về giá trị của tiếng cười, giá trị của tài năng?

Các em tuy nhỏ, tâm hồn tuy còn non nớt nhưng với sự mẫn cảm thì chắc chắn có, các em cảm nhận gì sau các chương trình THTT, liệu có thứ mất mát mơ hồ nhưng to lớn mà các em đã đánh đổi cho một vài phút hào nhoáng xuất hiện trên truyền hình, còn những người lớn họ đã mời gọi, đã khen chê, nhào nặn và khai thác tối đa các em, chỉ để thu lợi nhuận nhiều nhất.

Mỹ: cựu sao nhí THTT vận động cấm trẻ tham gia THTT

Từ lâu, trẻ em đã trở thành “mặt hàng” nóng nhất trên THTT Mỹ. Những "Are You Smarter Than A 5th Grader?", "MasterChef Junior", "Child Genius"... với sự ngây thơ, khó đoán trước của trẻ em đã tạo nên sự thú vị của chương trình.

Khi NBC sản xuất loạt "Little Big Shots" mới và Lifetime ra mắt "Project Runway Junior" vào cuối năm ngoái, các chuyên gia lại nêu vấn đề tác động lâu dài đối với những trẻ em có cuộc sống bỗng nhiên bị phơi ra trước khán giả khắp thế giới trên một chương trình THTT.

Paul Petersen, một cựu sao nhí của chương trình THTT "The Donna Reed Show", nay đã trở thành người đứng đầu nhóm vận động vì trẻ em A Minor Consideration. Paul Petersen nói với truyền hình FOX: "Trên thực tế, tham gia THTT khá thú vị và có thể có nguồn thu nhập tương xứng, nhưng ai sẽ thấy họ có hạnh phúc trong 10 năm tới?"

Petersen cùng 800 cựu diễn viên và vận động viên trẻ đang vận động Bộ Lao động Mỹ cấm người dưới 18 tuổi tham gia mọi loại hình THTT cho đến khi một bộ "tiêu chuẩn quốc gia" có thể được thông qua.

Đó là phải đảm bảo môi trường làm việc an toàn, được bảo vệ với giới hạn thời gian làm việc, được giám sát chuyên nghiệp để chống lạm dụng, và đảm bảo thiết lập tài khoản riêng cho trẻ khi đến 18 tuổi, theo Petersen.

Ở Mỹ, nhiều năm qua, những chương trình THTT kiểu phim tài liệu kịch bản lỏng lẻo như "Kid Nation", "Here Comes Honey Boo Boo", "Jon & Kate Plus 8" được sản xuất tại các tiểu bang có ít hoặc chưa có quy định để đảm bảo quyền lợi của các tài năng trẻ. "Có nhiều trẻ em tham gia các chương trình THTT chưa được trả tiền", Petersen cho biết.

John Hotchkiss, giám đốc sản xuất chương trình THTT năm 2008 "My Dad Is Better Than Your Dad", cho biết hiện nay ông tin rằng trẻ em nên được giữ tránh xa camera hoàn toàn cho đến khi đủ lớn để hiểu "những gì có nghĩa là xuất hiện trên truyền hình".

"Bạn cho rằng mình biết những gì có nghĩa là xuất hiện trên truyền hình, nhưng bạn không biết những gì các công ty sản xuất chương trình sẽ làm khi biên tập chương trình. Bạn không biết chương trình sẽ được phát sóng ở đâu hoặc trong bao lâu. Nếu bạn là đứa trẻ vụng về trong một chương trình truyền hình, có thể điều đó sẽ theo đuổi bạn trong suốt phần đời còn lại", Hotchkiss cho biết.

Các chương trình THTT trẻ em gần đây tại Mỹ đã có những bổ sung để bảo vệ các thí sinh nhỏ tuổi khỏi những tình huống lạm dụng hay bối rối, như tuyển các chuyên gia tâm lý tại trường quay để tư vấn cho các thí sinh nhỏ tuổi về cách xử lý các áp lực khi xuất hiện trên truyền hình. "MasterChef Junior" đã cho thí sinh thành từng nhóm 2 hoặc nhiều hơn để trẻ không cảm thấy lẻ loi. "Child Genius" cho một số thí sinh trẻ em học theo chương trình ở nhà...

Trở lại với tình hình nhan nhản các chương trình THTT tại Việt Nam, trong khi còn quá xa để hy vọng có những điều khoản bảo vệ thí sinh nhỏ tuổi, thì các bậc phụ huynh trước khi quyết định đẩy con vào cuộc đua trên truyền hình hãy tỉnh táo hơn, đặt sự bảo bọc tâm hồn trong sáng của đứa trẻ lên trên hết.

Trau dồi năng khiếu, vun đắp cho niềm đam mê là cần thiết. Nhưng “cánh đồng tài năng”, “cánh đồng tâm hồn” thơ trẻ còn dồi dào để các em tự vun trồng và gia đình các em vun trồng lên đó những hạt mầm tươi tốt cho tương lai, và những hạt mầm ấy chắc chắn không đến từ những thực dụng đội lốt mĩ miều.

KHẢ VY - LÂM AN

Tin cùng chuyên mục