Trong khi các nhà phát hành phim trong nước ồ ạt nhập các siêu phẩm, phim bom tấn nước ngoài dành cho khán giả thiếu nhi thì ở thị trường phim Việt mảng phim này đang bị các nhà làm phim nội địa bỏ trống.
Thua trắng trên sân nhà
Ngay từ khi bước vào mùa phim hè đã có khoảng gần 10 phim dành cho thiếu nhi được các nhà phát hành lớn như: CGV, Galaxy... nhập về. Có thể kể đến: The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh), Angry Birds (Chim điên nổi giận), Finding Dory (Đi tìm Dory), Robinson Crusoe (Lạc trên hoang đảo)...
Sắp tới đây, các bộ phim: Alice Through the Looking Glass (Alice ở xứ sở trong gương), Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows (Ninja Rùa: Đập tan bóng tối), The BFG, Peter’s Dragon, Kỷ băng hà 5... cũng lần lượt ra mắt khán giả trong nước.
Cảnh trong phim Finding Dory
Ngoài các phim bom tấn ở thể loại hành động, khoa học viễn tưởng, siêu anh hùng... thì phim dành cho đối tượng thiếu nhi được coi là mảnh đất màu mỡ, hút bạc đối với các nhà sản xuất, phát hành. Một điều thú vị đó là, nhằm đa dạng hóa thể loại phim dành cho thiếu nhi và đối tượng gia đình thì ngoài các phim hoạt hình được dàn dựng bằng kỹ xảo, máy móc thì phim do con người đóng cũng đang ngày càng được ưa chuộng hơn bởi tính chân thật của hình ảnh, câu chuyện.
Trong khi đó, phim Việt cho thiếu nhi trong cả mùa phim hè tính đến nay chỉ có Bảo mẫu siêu quậy 2 (đạo diễn Lê Bảo Trung). Mùa phim hè 2015 anh cũng lần đầu mạo hiểm khai phá thị trường này và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Trước đó không lâu, phim thiếu nhi Việt trên màn ảnh rộng số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lĩnh vực phim truyền hình, phim thiếu nhi có vẻ nở rộ hơn với nhiều tác phẩm từng ghi dấu ấn: Kính vạn hoa, Ngũ quái Sài Gòn, Cậu bé ngoài hành tinh, Mệnh lệnh hoa hồng... nhưng nay, dần thưa vắng.
Một đại diện của nhà phát hành CGV trước đây từng chia sẻ, tính từ thời điểm tháng 8-2006 đến nay họ đã nhập về Việt Nam hơn 80 bộ phim dành cho thiếu nhi. Thành công nhất là trường hợp của Minions với doanh thu 94 tỷ đồng. Chỉ cần xét về mặt doanh thu, Minions kém bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Em là bà nội của anh (102 tỷ đồng) không xa.
Dĩ nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng bởi tác phẩm 3D này được đầu tư sản xuất hơn 74 triệu USD trong khi các phim điện ảnh trong nước, kể cả dành cho đối tượng người lớn mức đầu tư cũng hiếm khi vượt qua con số 2 triệu USD (tương đương hơn 40 tỷ đồng). Nhưng, nói như vậy để thấy nếu chấp nhận cuộc chơi mạo hiểm này thì mảnh đất màu mỡ ấy hứa hẹn mang đến không ít thành công cho các nhà làm phim trong nước, đặc biệt với những tác phẩm được thực hiện tử tế.
Bài toán còn bỏ ngỏ
“Tôi yêu trẻ con và thích làm phim cho trẻ con. Hiện nay, các nhà làm phim ít quan tâm đến thể loại này và tôi thấy mình cần có trách nhiệm với nó” - đạo diễn Lê Bảo Trung chia sẻ về lý do anh quyết tâm thực hiện hai phần của Bảo mẫu siêu quậy. Trước khi đặt chân sang lĩnh vực phim điện ảnh dành cho thiếu nhi, anh từng thực hiện một số phim truyền hình ở thể loại này như: Hải Âu, Một chuyến phiêu lưu... nên mong ước có phim điện ảnh cho thiếu nhi càng thôi thúc anh nhiều hơn.
Sở dĩ các nhà làm phim chưa mạnh dạn đầu tư cho phim thiếu nhi có nhiều nguyên nhân về: kịch bản, diễn viên, quá trình sản xuất... Khi thực hiện Bảo mẫu siêu quậy 2, đạo diễn Lê Bảo Trung phải thay đổi kịch bản liên tục bởi cứ casting được em nào phù hợp thì cho vào vai đó và khi ra đến hiện trường phải thay đổi để làm sao phù hợp tâm sinh lý các bé. Đặc biệt, phần thoại không thể ép các em học thuộc mà để các em tự nói dù ngô nghê nhưng thật, đúng tình huống.
Trong khi đó, khó khăn về mặt diễn viên là thách thức không nhỏ. “Tại Việt Nam các diễn viên nhí hầu như không được đào tạo cơ bản, chủ yếu xuất phát từ các nhà văn hóa nên quá trình tìm kiếm rất khó khăn. Để có được 4 em cho Bảo mẫu siêu quậy 2 chúng tôi phải casting hơn 300 em từ độ tuổi 2 đến 5” - đạo diễn Lê Bảo Trung cho biết thêm.
Bảo mẫu siêu quậy 2 - phim thiếu nhi Việt duy nhất ra mắt dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6
Theo đạo diễn Quốc Thuận, điều anh cần nhất chính là sự ngây ngô của trẻ em để khi lên phim mới thuyết phục được khán giả: “Một số em được học từ các nhà thiếu nhi, nhà văn hóa nhưng khi diễn xuất thành kịch quá, không còn tính tự nhiên. Tôi thích khai thác những cái sẵn có của các em chứ không muốn sự áp đặt. Hơn ai hết, đạo diễn phải biết dựa trên tâm sinh lý của các em để có thể chỉ đạo diễn xuất một cách hiệu quả”.
Một cái lợi ai cũng nhìn thấy đó là, dù phim dành cho thiếu nhi nhưng lượng khán giả luôn gấp đôi, gấp ba bởi mỗi lần xem, các em luôn có cha, mẹ hay người lớn đi kèm. Song song với đó là cái khó bởi trong khi phim nước ngoài các câu chuyện luôn ẩn chứa nhiều tầng nghĩa, phù hợp với cả người lớn thì phim nội, giải quyết bài toán đó như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Phim thiếu nhi hiện vẫn là khoảng trống lớn của màn ảnh Việt và trong tương lai gần, nó vẫn là bài toán khó. Giống như một mảnh đất màu mỡ nhưng chưa được canh tác, nếu còn tâm lý ngại khó, ngại tiếp cận thì khán giả nhí sẽ không có những món ăn tinh thần thuần Việt. Làm thế nào để phim thiếu nhi Việt tăng cả về số lượng cũng như chất lượng, đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ phim Việt như hiện nay, có lẽ cần hơn những sự mạnh dạn, mạo hiểm và trên hết là niềm đam mê nói như cách của đạo diễn Lê Bảo Trung.
VĂN TUẤN