Váy đẹp về xóm

Váy đẹp về xóm

Mùa mưa kéo rê dai nhách. Quá nửa tháng chạp rồi mà mưa vẫn cứ rả rích rả rích như thằng say rượu. Lũ mền chiếu ẩm mốc, đường sá bị xói lở tùm lum, đám rau xanh xơ xác, nụ mai không lớn nổi, đàn gà ốm nhom suốt ngày co ro trong chuồng… Buồn thúi ruột đi mất. “Nắng lên cho người ta ăn tết, ông trời ơi!”.
 
Nghe ai cũng trông chờ nắng, ông trời cho nắng lên rải vàng khắp. Sướng chi lạ. Ấm chi lạ. Áo quần chiếu chăn được giặt giũ phơi trắng cả vườn. Dây phơi đồ không kham hết thì hàng rào râm bụt hứng thêm. Ông Lê tranh thủ bửa củi hong đầy sân. Lỡ lại mưa tiếp đến ba mươi thì cơm không có ăn nói chi đến bánh tét. Tổ trưởng tổ dân cư chạy lăng xăng nhà này nhà kia: “Bà con mỗi nhà cử một người mai tập trung dọn đường sá ăn tết nghe bà con!”. Lão Đợi trầm ngâm, ông Táo về trời rồi, học hành chi nữa mà nó còn ở miết dưới đó không biết. Là ông trách đứa con gái út đang học trung cấp dưới phố. Là ông nghĩ đến cái cảnh hai thằng con trai đã có gia đình riêng, vợ chồng già phân thân, co cẳng chạy  vẫn không kịp thời gian lo tết. Gia đình người ta năm bảy khẩu vẫn cứ phải tất bật, dụng đầu công việc, huống chi mình…
 
Xóm như một bộ mặt vừa mới được cạo râu cắt tóc ngoáy tai: tươi rói, sảng khoái và mới mẻ. Đường ra chợ thêm những chuyến mua bán ngoài kế hoạch thường ngày, đường về xóm thêm những chiếc xe lạ, những mái tóc nhuộm vàng hoe. Đường sá bắt đầu chật ních, xóm làng bắt đầu chật ních. Chả bù với ngày thường thanh niên khỏe mạnh đi sạch, phong độ xóm làng xuống cấp trầm trọng vì mưa lạnh, người già trẻ con không muốn bước chân ra khỏi nhà. Một trong những nét mới đã góp phần lấy lại phong độ ấy là chiếc váy đẹp của con Nhung.

Thằng Lữ là người phát hiện ra chi tiết thú vị này sớm nhất. Là nhờ nó được kêu đi bắt điện cho nhà ông Nhân ở cạnh nhà con Nhung. Váy phố xuất hiện khi nó đang bực mình vì cái tật “nước đến rốn mới nhảy”, nhà nào cũng để quơ tay chạm tết mới nổi lên mua ti-vi, bắt điện, quét vôi… búa xua. Cái nghề thợ điện thợ đụng của nó, vì vậy, những ngày áp tết thở chẳng ra hơi, đâu cũng gọi cũng tìm, kêu réo giật ngược, rượu tất niên thèm chảy nước miếng trong cũng phải… lơ.

Thằng Lữ lẩm bẩm, trời đất, mất tiêu đâu rồi cái thời tơi chằm, chân đất, quần đùi, nón lá ra đồng? Từ thời khai thiên lập xóm đến nay, từ thời còn mang cái tên ngồ ngộ: xóm Lò Rèn đến khi tân trang thành Tổ dân cư số 7, đã thấy ai váy ngắn xuống đồng, ra rừng bao giờ đâu. Hỡi ông trời? Nhìn tỏa ra cả cái làng này, cả huyện này cũng y chang. Nhiều lắm là di động ra đồng, quần tây sơ-mi ra đồng. Vậy mà con Nhung dám mặc váy ngắn đi rải u-rê cho lúa. Lúa cười với u-rê, nắng cười với váy đẹp. Nắng lại còn ủng hộ nó, tươi như xuân, ấm như vừa mới hấp. Mà cũng lạ, giá như sáng nay không gặp con Nhung chắc là thằng Lữ đã gây gổ với ông Nhân mất rồi. Nhà gì đâu, nói chỉ bắt giùm cái ti vi mới, sau lại nhờ sửa điện lung tung từ nhà trên xuống nhà dưới. Váy hay người đã an thần nó?
 
Thế là ở quán “cà phê không tên số 7” (quán không tên, ở khu dân cư số 7), dù uống vội uống vàng, thằng

Minh họa: A.DŨNG

Minh họa: A.DŨNG

Lữ cũng tranh thủ kể chuyện váy đẹp về xóm với cánh đàn ông máu me. Nó càng kể mắt càng sáng, mặt càng lặn bớt các nếp nhăn. Hấp dẫn lạ lùng, ai cũng cười toe, dù chưa hẳn đã tin hết những chi tiết có vẻ hơi tiểu thuyết. Thằng Lữ mà, nó lãng tử quá trời, trách chi việc thêm bớt râu ria. Nó kể, chỉ thấy trong phim, dưới phố mới có loại váy hấp dẫn này. Nó mỏng mượt ơi là mỏng mượt, hoa rực rỡ điểm trên nền lụa mềm, như đất trời  vào xuân vậy. Hú vía, nó ngắn đến chừng ni nè. Nó vừa kể vừa đứng dậy, dang chân ra, lấy bàn tay phải cứa một đường ngang bắp đùi non. Ờ mà chừng ni chứ. Lại cứa thêm một đường mới cao hơn chút nữa.  Vỗ tay. Ôi trời, da trắng chi mà trắng, mịn chi mà mịn, nghe mát đến tận tim gan phèo phổi của tui. Lại vỗ tay. Hồi còn mặc quần đùi giữ bò với nó ngoài rừng Trâm, tui thấy nó đen đen khô khô như khúc củi cháy. Rứa mà không ngờ ở cái trớn dậy thì, mới ra phố mấy năm về, mấy năm hỉ, hơn hai năm chứ mấy, mà nó thay đổi đến… hoa mắt.
 
- Ông Lữ ơi là ông Lữ, ông rảnh quá đi mà! Ngày hết tết đến nơi rồi, tui với con lo không hết việc mà chừ ông còn ngồi đó cà phê cà pháo hả. Ông về lo bắt điện cho bà Khánh rồi qua bên nhà ông Sáng nhận thịt heo giùm tui đi. Người ta đi từ hồi mưng sáng kia rồi…. Con vợ thằng Lữ thình lình xuất hiện chễm chệ trước quán cà phê như Tôn Ngộ Không vừa độn thổ. Bất kể là Đường Tăng hay Trư Bát Giới đang có mặt, nó nghiến răng, vung tay như Chằn Tinh xuất chiêu.
- Em thiệt, mới nghe eng éc đó mà, thịt thột đâu đã có!

Thằng Lữ vừa nói vừa lủi ra khỏi quán. Vợ nó theo sau như đang áp giải tù binh. Một người kêu lên: Đúng là… “hoa mắt” thật! Điện thoại của ai đó lại thôi thúc réo. A lô, ba nghe đây. Mấy giờ xe đến nơi? Rồi, ba sẽ xuống quốc lộ đón về.
 
Cú hích vừa xảy ra đã bốc từng thằng đàn ông đang mớ ngủ ném rẹt vào đời thường giáp tết. Công việc chạm công việc, chồng lên công việc nghe lạch cạch, rổn rảng, đì độp…. Rã đám nhanh để cố chạy đua với tết, mỗi người còn lo tính nhiều việc phải làm, cả những việc ngó như nhỏ mà không nhỏ: mua mấy cái bì đựng tiền lì xì, mua cho bà Quả neo đơn của xóm chai dầu ăn, gói bột ngọt, mua hương thắp cho ông Đoàn vừa mới mất.
 
Để xe nổ máy rù rù ở số 0, chú Linh quay lại hỏi chủ quán, “chị Tư hai mấy cúng tất niên?” – “Chiều mốt, thông cảm tết nhứt bận quá không qua nhà được, nhân đây mời anh Linh luôn nghe. Tui tranh thủ cúng sớm để hai chín, ba mươi còn hỗ trợ cho con gái bán hoa ngoài chợ. Ôi chao, nó mang về cả một nhà hoa, tui lo quá, bán không hết thì tết ni có mà khóc chứ vui chi nổi” – “Rứa chiều hai tám chị ghé tui chơi, uống ly rượu cuối năm với gia đình. Tui phải đợi con cháu đi học, đi làm về đủ cả mới tất niên”.
 
Thằng Lữ nhận được điện thoại của bạn. A lô, mày ở đâu vậy, váy đẹp đang cắt tỉa hàng chè tàu trước nhà, mày có phi vụ làm ăn nào bên Nổng Tranh thì ghé thăm luôn kìa. Mẹ, chỉ một lần nghe kể ở quán cà phê mà tay này cũng để ý dữ quá ta, thằng Lữ lằm bằm. Ờ, mà cả xóm để ý chứ riêng gì nó. Riêng gì mình. Ngay như chú Hoàng thợ mộc cũng khen con Nhung mặc váy đẹp. Tuổi tứ thập rồi mà chú nói như thanh niên thời @, đúng là xã hội văn minh con người cũng văn minh theo, biết xấu che tốt khoe, có mô như cha ông mình. Có người khờ dại, cái chân cong riết, da đen thui mà cứ mặc váy để tự hủy hoại nhan sắc của mình. Còn con Nhung có cặp chân dài thon thẳng, da trắng mịn mà nếu cứ đem cất kỹ thì lãng phí cái đẹp, lãng phí cuộc đời quá đi.

Với lý sự này, chú Hoàng bị bà Nhân cho là “cha già mất nết”. Chú cười hề hề, các bà cổ lỗ sĩ quá rồi, thanh lý hoặc đưa đi đánh bóng lại là vừa. Cái đẹp mà, khát vọng của mọi người, mọi lúc, mọi nơi đấy. Chưa quen thấy hơi bị dị ứng con mắt, quen rồi lại đâm nghiện nặng. Biết đâu con Nhung là người khai phá, vài ba năm sau váy đẹp lại nở rộ trời tết của xóm mình thì sao?
 
Chuyện váy đẹp về xóm không chỉ là chuyện thời sự của cánh đàn ông máu me, không chỉ là phát hiện của một cá nhân nào, không chỉ là chuyện thư giãn của những ngày áp tết bận rộn trăm công ngàn việc. Bằng chứng là con Nhung vẫn mặc váy ngắn nền lụa, điểm xuyết những bông hoa màu thiên thanh đi thăm tết, mừng tuổi ông bà và ngồi quán cà phê nghe nhạc Trịnh.
 
Mà lạ, tết cũng ủng hộ nó, ông trời cũng ủng hộ nó. Nếu không thì tại sao ông trời mưa rỉ rả dai nhách suốt tháng lại nổi nắng bừng lên mấy ngày cuối năm. Để cho váy mới có cơ hội cười nhí nha nhí nhảnh. Đến như mấy ngày tết, người ta thèm một chút mưa nhỏ, một chút se lạnh cho ra tết, ông trời cũng lắc đầu. Nắng, tháng giêng mà nắng nóng đến phải bật quạt khi tiếp khách, đổ mồ hôi khi dạo thăm tết quanh xóm. Áo lạnh buồn thiu. Để cho tha hồ váy đẹp rong chơi.


Tiêu Đình

Tin cùng chuyên mục