(SGGP).- Đây là thực trạng được nhiều đại biểu ở các tỉnh, thành nêu ra trong hội thảo khu vực phía Nam về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức tại TPHCM ngày 30-9.
Bà Lê Hồng Thu, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu, đặt vấn đề: Bao nhiêu hộ nghèo có thể tiếp cận được vay 30 - 50 triệu đồng để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, dù có quy định mức trần cho hộ nghèo vay tín chấp ưu đãi là 50 triệu đồng (trước đây là 30 triệu đồng)? Theo bà Lê Hồng Thu, không nhiều hộ nghèo tiếp cận được món vay lớn. Bởi đằng sau là một loạt những điều kiện ngặt nghèo và gần như tất cả các hộ nghèo đều… không thỏa mãn được những điều kiện đó. Điều đó cho thấy, thực tại chính sách đưa ra rất tốt đẹp, song đi vào thực tiễn thì vẫn cần phải xem lại.
Không tiếp cận được món vay lớn, người nghèo chủ yếu tiếp cận các món vay nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng khó có thể nói là hiệu quả khi có đến 70% người nghèo dùng món vay để… trả nợ, đảo nợ; chỉ còn lại khoảng 30% nguồn vốn được đưa vào sản xuất kinh doanh.
Lo ngại tình trạng cuối năm trả nợ rồi đầu năm vay lại phản ánh tính bền vững của giảm nghèo còn xa vời, thực tế giảm nghèo là người dân chỉ vượt qua chuẩn nghèo chứ chưa thoát nghèo, các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ xem phương tiện giảm nghèo có còn trong tay người nghèo hay không?
Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, đề nghị, khi rà soát các chính sách giảm nghèo, nên đánh giá tác động của chính sách đến người nghèo để có cơ sở cơ cấu, tính toán lại chính sách cho hợp lý - theo nhu cầu của người nghèo chứ không tổ chức thực hiện theo công thức cứng nhắc.
ĐƯỜNG LOAN