
Chiều 13-7, 5 ngư dân bị nạn đã được tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh (cùng thôn) đưa vào đất liền an toàn. Trở về đất liền sau 4 ngày lênh đênh trên biển, 5 ngư dân trên con tàu QNg 90479 TS, do ông Võ Văn Lựu ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ, vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những giây phút bị rượt đuổi và cú đâm chí mạng của tàu Trung Quốc.
Khi con tàu của ông Huỳnh Văn Khanh chở theo 5 ngư dân bị nạn vừa cập cảng Tịnh Kỳ, người thân của ngư dân chạy lại ôm chầm lấy các anh, nước mắt vội lăn dài trên những đôi gò má. Với họ, những ngày được tin con tàu bị nạn là những ngày ăn không ngon, ngủ không yên. Từng ngày, từng giờ ngồi ngóng tin chồng, tin con.

Các ngư dân kể lại sự việc
Bà Nguyễn Thị Năng (vợ chủ tàu Võ Văn Lựu) lúc đợi tàu về kể lại, trước khi bị đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa hôm 9-7 vừa rồi, thì khoảng 3 năm trước đó, trong lúc cũng đang đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa, thì tàu cá của gia đình bà đã 2 lần bị tàu Trung Quốc truy đuổi, vây ép rồi cướp hết toàn bộ ngư lưới cụ. Tưởng rằng, sẽ được yên ổn để làm ăn, thế nhưng chỉ hơn 1 tuần ra khơi, tàu cá của gia đình bà lại bị chính những con tàu Trung Quốc, rượt đuổi, đâm chìm. Con tàu trị giá hơn 2 tỷ đồng chìm dần và nằm sâu dưới lòng đại dương, ngay chính trên vùng biển của quê hương.
Sau những phút giây định hình, ông Võ Văn Lựu nhớ và kể lại sự việc xảy ra trên biển: “Trong lúc tàu tôi đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, ở tọa độ 16,06 độ vĩ Bắc, 113,06 độ kinh Đông (cách đảo Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa khoảng 30 hải lý về phía Đông Bắc) thì bất ngờ bị 2 tàu Trung Quốc ập tới, vây ép. Sau đó, chúng truy đuổi gay gắt, một hồi sau ép sát rồi 6 người trên tàu Trung Quốc nhảy qua tàu của chúng tôi, chúng cầm theo dùi cui, roi điện rồi sau đó một thằng cầm dùi cui đánh tôi một cái vào cổ.
Sau khi đánh xong, chúng trở về tàu rồi tiếp tục vây ép tàu chúng tôi như trước, rượt đuổi một lúc thì do tàu tôi nhỏ, chúng cho mũi tàu ép sát vào mạn sườn tàu tôi, do bị ép với sóng lớn nên tàu tôi bị chìm. Lúc tàu nghiêng và vào nước, một trong 6 thằng trên tàu Trung Quốc biết nói tiếng Việt, chúng hô lên “tàu vào nước, tàu vào nước rồi, lấy bơm hút nước ra”. Nhưng do máy bơm nước của chúng tôi công suất quá nhỏ, cố bơm nhưng vẫn kịp. Thấy tàu tôi chìm, lúc đó tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh chạy lại ứng cứu. Thấy tàu cùng ngư dân Việt Nam đến chúng cũng không cho cứu, xua đuổi rồi bao vây tàu tôi một thời gian rất dài mới bỏ đi”.
Ông Lựu cho biết thêm: “Thời gian bị đâm chìm, rơi xuống nước, đến lúc được cứu phải mất 4 giờ. Tàu chìm, nhưng cũng may mũi tàu nổi lên nên chúng tôi bám vào đó, mấy anh em cố động viên nhau để vượt qua sợ hãi, dù biết rằng rất sợ, trước khi bị rượt đuổi và rơi xuống nước, 5 người chúng tôi chưa có gì vào bụng. Rớt xuống biển và không được cứu, sóng biển đánh vào mũi tàu, nhiều lúc chúng tôi suy sụp, tưởng rằng sẽ bỏ mạng ngay chính trên ngư trường của mình. Biết một thằng hiểu được tiếng Việt, tôi nói cho tàu cá vào cứu chúng tôi, nhưng nó vẫn không nghe. Hai tàu của chúng cứ vây lấy tôi, không cho tàu của ông Khanh vào cứu. Phải đến 16 giờ chiều, chúng mới bỏ đi, lúc đó tàu ông Khanh mới đến cứu chúng tôi. Tàu bị chìm các trang thiết bị trên tàu mất hết. Hơn 1 tấn cá, mực đánh bắt trong 1 tuần cũng chìm theo tàu. Thiệt hại lên đến 3 tỷ đồng”.
Em Võ Văn Hào (17 tuổi, con út của ông Lựu), người nhỏ tuổi nhất trong các thuyền viên, lúc được cứu và giờ vào tới đất liền, em vẫn không tin là mình được sống. 4 giờ bám mũi tàu, một nửa người chìm dưới nước, bụng đói, sóng cứ đánh vào người, lúc đó em cứ nghĩ đến cái chết. Sợ hãi lắm, đi biển mấy năm rồi, nhưng chưa lần nào em rơi vào cảnh sợ hãi như vậy.
Trước hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết ông đã có văn bản gửi Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu làm rõ vụ việc và phản đối hành động vô nhân đạo của tàu Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa; yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại và chấm dứt ngay hành động tương tự đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt tại Hoàng Sa.
Nguyễn Đắc Thành