Về Đông Hồ mua tranh

Về Đông Hồ mua tranh

Tôi lại ghé thăm làng Đông Hồ, ngôi làng nằm e ấp bên bờ sông Đuống, nơi “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng”, nơi mà “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”, nơi từng “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” như bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm từng miêu tả làm rung động biết bao con tim.

Về Đông Hồ mua tranh ảnh 1
Một bức tranh Đông Hồ.

Làng nhỏ nhưng dễ tìm. Từ Hà Nội ngược QL1 đến Bắc Ninh, đến cây số 30 thì rẽ sang đường 38, đi thêm 12km nữa, qua sông Đuống là tới. Trên con đê sông Đuống rộng lớn, tôi lần mò xuống làng, gặp ngay nhà của một trong hai nghệ nhân cuối cùng còn làm tranh, ông Nguyễn Đăng Chế.

Len lỏi qua mấy bức tường đá ong cũ kỹ và lũy tre làng, nhà ông Chế hiện ra ngay đầu ngõ vắng. Bà Nguyễn Thị Tám tỉ tê: “Tôi nấy (lấy) ông Chế từ cái thuở 19. Thuở ấy cứ đến tháng Chạp nà chợ tranh nại họp ngay đình nàng.

Từ mùng 6 đến 12, thương buôn các lơi (nơi) từ trong Lam (Nam) ra Bắc đến lườm lượp, có người xin ở nuôn nhà tôi suốt mấy ngày chờ nấy tranh. Ngư dân vùng biển thì mang cá, mắm, vỏ sò nên đổi tranh, người trên lúi xuống thì xách măng khô, trầm, còn dân đồng bằng nại đem vải ra mà đổi. Vui như hội í!”.

Bà Tám lụm cụm lấy ra bộ ngũ sự khắc gỗ in hình cảnh hái dừa, đánh ghen, chăn trâu… khoe rằng “nó” đã có từ hơn 200 năm. Gia đình bà giữ được bởi đấy là của gia truyền khi bà Tám và ông Chế lấy nhau. Và trong làng Đông Hồ (thuộc xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh), chỉ còn duy nhất bộ ngũ sự ấy. “Nó” được làm từ gỗ cây thị do thớ gỗ mịn và dai, phù hợp với các họa tiết mảnh dẻ trong tranh.

Rồi bà Tám cẩn thận cất bộ ngũ sự vào tủ kính, khóa lại, lẩm bẩm một mình như than như vãn: “Người nàng bây giờ chẳng ai nàm tranh, họ chuyển sang nàm hàng mã hết rồi. Mà giấy dó bây giờ hiếm nắm, phải mua tận Phong Khê (cũng ở Bắc Ninh-PV) các chú ạ!”.

Tôi đọc trong một tài liệu cũ, thấy viết rằng giấy dó làm từ vỏ cây dó, nghiền nát, ngâm nước, muốn giấy dày bao nhiêu thì tráng đi tráng lại lớp bột mảnh nhiều lần bấy nhiêu, sau đó phơi, lại tráng, lại phơi cho đến khi đạt độ dày vừa ý. Giấy dó để lâu không mục, ít bị phân hóa do ánh sáng, không khí.

Tranh dân gian làm từ giấy dó phải xé bằng tay chứ không dùng dao cắt và trên mặt giấy còn phải phết một lớp bột mài từ vỏ con sò điệp, làm cho mặt giấy vàng ánh với thời gian mà theo như nhà thơ Hoàng Cầm mô tả là “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

“Màu dân tộc” trong tranh Đông Hồ được những nghệ nhân cuối cùng của làng mô tả như sau: Màu vàng làm từ hoa hòe phơi khô, tán nhuyễn; màu đỏ từ sỏi son nghiền; màu xanh lấy nơi lá chàm; màu đen từ than lá tre…; riêng màu điệp, sau khi mài nhuyễn vỏ sò điệp thành bột, người Đông Hồ pha chung với hồ gạo nếp theo tỷ lệ 3 bát bột điệp, một chậu nước nếp. Sau đó, người ta lấy chổi lá thông nhúng nước điệp, quét lên mặt giấy dó theo chiều ngang...

Trong gian nhà làm tranh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, từng nhóm thợ chia nhau 5 công đoạn, tay cứ thoăn thoắt bồi điệp-bồi màu đỏ, vàng, xanh, ghi, đen. Nôm na rằng, sau khi vẽ hay in nét hình xong, người ta phơi khô hàng loạt tranh, sau đó in tiếp màu đỏ, rồi thứ tự tới các màu khác.

Hàng trăm năm nay, quy trình ấy vẫn không thay đổi, có những tấm tranh to đùng trị giá hàng triệu đồng, có những tấm tranh be bé, giá chỉ 2.000 đồng, dùng treo chơi trong những ngày tư, ngày Tết. Tổng cộng có 100 mẫu tranh được người Đông Hồ sáng tác từ những sự việc, cảm nhận xung quanh cuộc sống… nhưng ngẫm ra, đến nay vẫn có giá trị nhân văn rất cao.

Về Đông Hồ mua tranh ảnh 2

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẽ tranh Đông Hồ.

Tôi len qua một “bãi mía, mấy bờ dâu” (đúng như nhà thơ Hoàng Cầm miêu tả trong bài Bên kia sông Đuống), hỏi thăm đám trẻ chăn trâu trên bãi cỏ ven đê rồi vòng vèo về phía sau đình làng – nơi có gốc đa cổ thụ - để tìm đến nhà của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghe ông này giải thích: “Phú quý nà tên tấm tranh bé trai ôm gà trống. Con gà trống có lăm đức tính: văn (cái mào gà tượng trưng mũ mão nhà quan), vũ (cựa gà để chiến đấu, được xem như nà vũ khí), dũng (con gà trống núc lào cũng ham chọi), nhân (khi cho ăn bao giờ chúng cũng “cục tác” gọi bầy chứ không ăn một mình), tín (gáy rất chính xác, đủ lăm canh). Bé trai ôm gà tượng trưng cảnh phú quý, thịnh vượng, mạnh mẽ, sung túc. Vinh hoa nà tên tấm tranh bé gái ôm vịt bầu.

Con vịt bầu đẻ rất sai, nhà ai nhiều con cháu thì người xưa xem nà hạnh phúc, vinh hoa. Còn như bức Đánh ghen, người nàng Đông Hồ thấy cảnh ấy nên sáng tác tranh nhằm răn dạy cánh trai trẻ và cũng nà hương ước cấm thói trăng hoa nàm mất hạnh phúc. Riêng bức Chuột vinh quy bái tổ thì rõ nà ngay từ thuở xa xưa đã có thói quan quyền cát cứ, tham nhũng. Chú chuột thi đỗ trạng nguyên vinh quy về nàng, có che dù che nọng, có nính hầu đàng hoàng… mà ngang qua cổng nàng, vẫn phải cống lạp một con cá cho chú mèo… Tranh Đông Hồ thâm thúy, đẹp và ý nghĩa nà ở chỗ đấy”.

“Đẹp thật, vậy sao chỉ còn 2 nghệ nhân cuối cùng của làng là ông và ông Chế làm tranh, và vì sao giá chỉ 2.000 đồng mỗi bức?” – Tôi hỏi. Ông Sam cho biết: “Tranh Đông Hồ chỉ sống nại vài lăm gần đây thôi. Mấy lăm lay tôi nàm cho đỡ nhớ nghề, bán 2.000 đồng một bức nà nhằm thế, với nại giá ấy thì mới hy vọng mở rộng đối tượng chơi tranh”.

Người Đông Hồ kháo nhau rằng, tranh dân gian của họ sống lại là nhờ ông Chế và ông Sam. Ông Chế thì từ sau khi về hưu (vốn là họa sĩ) mở xưởng tranh sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối. Riêng ông Sam giữ nghề mấy chục năm đang “héo” thì bỗng có khách Nhật đến đặt hàng 30.000 bức, như “nắng hạn gặp mưa rào”. 10 năm nay, tranh Đông Hồ đã len lỏi vào TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ qua các kỳ hội chợ.

Tôi như mở cờ trong bụng khi nghe tin ông Nguyễn Đăng Chế sắp viết một quyển sách giới thiệu tất cả các bước làm tranh. Thế là lao vào cuộc nằn nì đến gãy lưỡi nhưng gia đình ông nhất định không cho tham khảo tài liệu. Tôi lại nghe nói ông Nguyễn Hữu Sam đã được nhiều báo chí, đài truyền hình giới thiệu, đã mở chi nhánh cho con trai nối nghiệp nghề tranh nên cũng đánh liều xin gặp gỡ, tiếp cận, phỏng vấn… nhưng cũng không được.

Hiện giờ, chỉ còn hai nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ nắm giữ “bí kíp” của làng nghề nhưng hình như họ vẫn mang hai thái cực: vừa muốn phát huy nghề truyền thống nhưng lại không muốn công bố những gì mà người chơi tranh cần biết. Không rõ 5 năm, 10 năm nữa, tranh Đông Hồ sẽ ra sao nhưng về làng lần này, tôi nhất quyết mua vài bức tranh mang về miền Nam, đặng treo tường-dạy con ngày Tết!  

Thời phong kiến, tranh Đông Hồ có các mẫu như hái dừa, đánh ghen, cóc, chuột, đánh vật, khiêng trống. Đến thời thuộc Pháp, làng tranh có thêm đề tài mới như: cóc Tây múa kỳ lân, văn minh tiến bộ, nhảy đầm… chủ yếu mang tính châm biếm. Sang kháng chiến chống Mỹ, người Đông Hồ lại có mẫu mới như: Việt Nam độc lập, sản xuất tự túc, bình dân học vụ, rồng lửa Thăng Long, bắt sống giặc lái, được mùa… Ngay cả khi Bác Hồ về thăm, cũng có tranh: Bác về thăm làng. Người làng nhắc nhở nhau: “Dù ai buôn bán trăm nghề/Mồng sáu tháng Chạp nhớ về buôn tranh”.

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục