

Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) được xem là một “tiểu” Đồng Tháp Mười với gần 1.700ha đất rừng, trong đó có hơn 3/4 diện tích phủ xanh bởi cây tràm. Tràm thích hợp với đất phèn và khi đốt thì đượm lửa, còn khi dùng đóng cừ làm nền móng nhà cửa ở những vùng đất ẩm ướt thì dẻo dai và bền chắc. Thảm xanh rừng tràm Gáo Giồng cũng được xem như lá phổi của tỉnh Đồng Tháp.
Rừng tràm cao vút và dày đặc từng ô, bao bọc bởi những kênh đào thẳng lối, xen kẽ là những đầm sen, những vũng năn. Sân chim Gáo Giồng rộng gần 40ha, được xem là sân chim lớn nhất của Đồng Tháp Mười, nơi hội tụ hàng chục loài chim như cò quắm, cò mỏ đỏ, cò mỏ ngàng, cò trâu, cò ma, cò rán, cò lửa, cò ruồi; nào là trích, điên điển, diệc, cồng cộc, vạc, le le…
Số lượng chim mỗi năm mỗi tăng bởi vựa cá, rừng tràm Gáo Giồng là nơi lý tưởng cho nhiều loài cá nước ngọt về đây sinh sôi, nảy nở. Khách đến tham quan nếu ở lại qua đêm sẽ nhìn thấy cảnh hoành tráng của khu rừng tràm Gáo Giồng với thấp thoáng những cánh chim trời bay về tổ vào buổi hoàng hôn và chao lượn bay đi khi mặt trời ló dạng hoặc nghe tiếng chim kêu ngắt quãng cùng với tiếng ếch nhái khi đêm về.
Gáo Giồng là nơi du lịch đúng nghĩa sinh thái vì còn đậm nét hoang dã của vùng Đồng Tháp. Các kiến trúc nơi đây không có những mảng bê tông, tường gạch. Lối đi lát đan bê tông hoặc bằng đá chẻ, còn lại là đường đất. Ở đây có những dãy nhà sàn lợp lá dừa nước là nơi để khách nghỉ chân, ăn uống; giữa các dãy nhà là những cầu ván trên ao sen. Phòng trọ cũng là nhà sàn, vách ván, mái lá, xây riêng biệt từng phòng. Muốn tận hưởng cảm giác thư thái, khách có thể tham quan rừng tràm bằng xuồng ba lá do những cô gái bưng biền mặc áo bà ba, đội nón lá, quấn khăn rằn, nét mặt hồn nhiên cầm chèo.
Sau thời gian giong ruổi, đến bữa, khách sẽ được thưởng thức món cá lóc nướng trui vừa ngọt, vừa bùi và món cơm nếp gói lá sen còn nóng hổi ăn với cá rô đồng kho tộ.
HỮU CHÍ