Họ là lớp hùng binh - những bậc tiền nhân đầu tiên thực hiện nhiệm vụ khai thác sản vật, đo đạc hải trình, vẽ hình hài đất nước, cắm mốc chủ quyền trên sóng trùng khơi. Để đến ngày nay, lớp con cháu tiếp nối hiên ngang ra khơi đánh bắt mưu sinh, khẳng định chủ quyền lãnh hải mà cha ông đã dày công gầy dựng. Họ tự hào vì được sinh ra nơi đầu sóng ngọn gió, nơi rẻo đất quê hương hiền hòa giữa đại dương, nơi sản sinh ra đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải - đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Những dấu chân tiền nhân
Ngày cuối năm ở Lý Sơn, không khí lạnh tăng cường liên tục, biển mịt mờ sóng sau gối đầu sóng trước. Cái dùng dằng của năm cũ để chuẩn bị nhường thời gian cho năm mới dường như không ảnh hưởng đến những gấp gáp mùa màng mà người dân trên đất đảo này đang hối hả lo toan trên những thửa ruộng hành tỏi. Những lớp sóng trùng điệp của đại dương không ảnh hưởng đến trí nhớ bằng phẳng về những người đầu tiên vẽ hình hài đất nước, cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa mà người chép sử - hậu duệ của những hùng binh - ông Phạm Thoại Tuyền ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn), kể cho chúng tôi nghe.
Từ năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị việc phái người ra dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa. Đến “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 165 chép rằng, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua hàng năm cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công rằng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc làm cột mốc… Phạm Hữu Nhật được chọn phụng mệnh vua đi khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa”, ông Tuyền bỏ cuốn sách xuống, nói rành rọt, ánh mắt ánh lên niềm tự hào.
Cụ Nhật mang theo 10 bài gỗ làm dấu mốc, trên mặt bài khắc chữ “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ…”.
Những chiếc tàu mang theo lá cờ Tổ quốc vươn khơi.
Dân Lý Sơn thích nghi với biển cả, nên dù khi đó chưa có nghề đánh bắt hải sản như bây giờ nhưng đất đảo này đã có rất nhiều binh phu liên tục ra vào Hoàng Sa. Họ đi bằng những chiếc khinh thuyền, nhẹ tênh lựa gió lướt trên những ngọn sóng bạc đầu. Thiết bị dự báo thời tiết không có nên phải nhìn trời, trông rễ cây, thấy ra rễ non là biết sắp có bão tố để tìm nơi trú tránh. “Ngoài làm nhiệm vụ thu lượm sản vật về dâng triều đình, cắm mốc và dựng bia chủ quyền, những hùng binh Hoàng Sa còn xây miếu, dò để biết biển chỗ nào nông, chỗ nào sâu và trồng cây trên đảo để làm dấu cho những chiếc thuyền ra Hoàng Sa sau này biết mà tránh mắc cạn”, ông Phạm Thoại Tuyền nói.
Hậu duệ dòng họ Phạm Văn ở An Vĩnh không biết rõ cụ Phạm Hữu Nhật đã đi Hoàng Sa bao nhiêu chuyến. Dấu ấn cuối cùng ghi lại vào năm 1854, cụ “một đi không trở lại”, nên người trong họ đã an táng cụ bằng nấm mộ gió với hình nhân thế mạng mà không có hài cốt thật. Tên Hữu Nhật được đặt cho một hòn đảo ở nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Gần 200 năm đã trôi qua, gió vẫn thổi qua những ngôi mộ chiêu hồn, trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào tháng hai âm lịch hàng năm, con cháu dòng họ Phạm luôn nhớ đặt linh vị: “Phục vì vong Cao bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị” ở vị trí trang trọng.
Là người am hiểu sâu sắc về hải đội Hoàng Sa, nghệ nhân Võ Hiển Đạt (gần 90 tuổi) ở thôn Tây góp thêm vào câu chuyện vẽ hình hài đất nước và gìn giữ chủ quyền quốc gia: “Từ thời nhà Nguyễn, những hùng binh can trường của đất đảo trước khi ra Hoàng Sa, ngoài số lương thực đủ ăn cho 6 tháng, họ không quên mang theo 3 sợi dây mây, một chiếc chiếu. Khi gặp bất trắc trên biển, người còn sống lấy dây mây cột chiếu bó xác người xấu số cùng tấm thẻ bài ghi rõ họ tên thả xuống biển hy vọng trôi dạt về quê hương, bản quán”.
Bằng chứng cụ thể, sinh động nhất là tờ lệnh quý Hoàng Sa do gia tộc họ Đặng truyền đời gìn giữ suốt 175 năm liên quan trực tiếp chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tờ lệnh là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định, ghi rõ ngày 15-4, năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền 3 chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Để ghi nhớ công ơn của đội Hoàng Sa năm xưa, tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính tri ân công đức tổ tiên không tiếc máu xương, từng giong buồm ra biển Đông khẳng định chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.
Tiếp bước
Tại âu thuyền Lý Sơn. Lê Biên Cương, Thuyền trưởng tàu QNg 96617 đang kiểm tra lại các thông số nhiên liệu để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi cuối năm. Không biết có phải cái tên cha mẹ đặt ngẫu nhiên hay ngầm gửi gắm, nhắc nhở đứa con trai đầu lòng hãy góp sức mình bảo vệ, gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà gần 30 năm nay, dù thời tiết khắc nghiệt hay đại dương hiền hòa, Lê Biên Cương vẫn có mặt ở vùng phên giậu của Tổ quốc. Trong cuộc mưu sinh ngang dọc ở những vùng biển xa, anh đã từng phải đối mặt với những hiểm nguy từ thiên tai, nhân tai và tận mắt chứng kiến những mất mát không thể nào bù đắp được. Ký ức vụ đắm tàu làm ba người thân trong gia đình thiệt mạng giữa năm 1992 luôn ám ảnh hiện về vẫn khiến anh nghẹn ngào. “Vượt qua những nỗi đau âm ỉ ấy không dễ dàng như vượt qua những con sóng lừng đâu”, ngư dân Lê Biên Cương tâm sự.
Cũng tại âu thuyền này, hình ảnh hàng trăm tàu cá neo đậu san sát, đỏ rực sắc cờ Tổ quốc sẵn sàng xuất bến nhằm hướng Hoàng Sa trực chỉ khiến bất cứ ai cũng thấy rạo rực trong lòng. Nơi cửa bể này, bao lớp ngư phủ cần mẫn chài lưới vào buổi rạng Đông hay hoàng hôn phía Tây nhuộm thẫm mặt biển vẫn ngày ngày ra khơi. Tàu nhỏ treo một lá, tàu to tới hai ba lá cờ. Chưa ở đâu, sắc Quốc kỳ lại trở thành ngọn lửa giúp ấm lòng ngư dân đến vậy. Thuyền trưởng tàu QNg 96337 kiêm thợ lặn Phùng Văn Giỏi (thôn Tây, xã An Vĩnh) kể: “Mỗi con tàu ra khơi là một cột mốc chủ quyền, còn gì đẹp hơn khi trên mỗi cột mốc ấy lại có thêm sắc đỏ Quốc kỳ. Còn với ngư dân Nguyễn Văn Lợi (30 tuổi) xã An Vĩnh, để xây được ngôi nhà hai tầng khang trang, cặp tàu đóng vài tỷ bạc, gia đình ông đã có 4 thế hệ làm nghề biển, 3 đời gắn bó với Hoàng Sa. “Từ năm 1985 đến mãi bây giờ, đánh cá mưu sinh, bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hồi kia, ông cha đã đổ biết bao xương máu, mảnh đất đó là của mình. Đó là mảnh vườn, ao nhà mà cha ông đã dựng lên, không lý gì lại bỏ “hoang”. Mình sống bằng nghề biển mà, lùi sao được, thua keo này bày keo khác thôi”, ông Lợi khẳng định.
13 tộc họ trên đảo Lý Sơn với 22.000 dân, trong đó có 3.000 ngư dân vẫn nối tiếp truyền thống đi biển của cha ông, “cưỡi sóng đạp gió” cùng những đoàn tàu có công suất lớn trực chỉ ra Hoàng Sa. Trong những câu chuyện của họ về cha ông, về những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, ẩn hiện trong ánh mắt ấy niềm tự hào về nơi mình đã sinh ra, lớn lên, để trong huyết quản luôn chảy mạch nguồn văn hóa, lịch sử về một vùng biển đảo thiêng liêng mang tên Hoàng Sa-Trường Sa.
Cả đời họ, đã trải qua bao dông gió cuộc đời, bao dông bão của biển khơi, với những chuyến đánh bắt bình yên trong niềm vui vỡ òa mỗi khi tàu cập bến tôm cá đầy khoang hay tay trắng trở về với tàu thuyền mang nhiều vết thương nhưng hai tiếng chủ quyền luôn vang vọng và thôi thúc họ lên đường, quay trở lại với vùng biển truyền thống mà cha ông để lại.
Lý Sơn đang được quan tâm hơn lúc nào hết. Những trái tim đầy nhiệt huyết của hàng ngàn bạn trẻ hàng năm vượt sóng tìm về để tận mắt chứng kiến quê hương của Hùng binh Hoàng Sa, được thấy những ngư dân rắn giỏi, can trường hiên ngang vượt sóng ra khơi, được thích thú nhìn ngắm biển trời và “tắm” mình trong lịch sử, văn hóa dân tộc.
Một vận hội mới đang mở ra cho vùng đất đảo tiền tiêu này khi mà những ngày đầu năm 2015 cảng Bến Đình bắt đầu được triển khai đầu tư giai đoạn 1 với tổng kinh phí 100 tỷ đồng đã được phê duyệt. Quy hoạch du lịch được tức tốc triển khai. Điện lưới quốc gia đã về nơi đất đảo. Ánh sáng hàng đêm khoác lên khiến Lý Sơn lung ling và huyền ảo. Từ điện, hạ tầng cơ sở, dịch vụ sẽ được quan tâm đầu tư, Lý Sơn, rồi sẽ là đảo sáng…
Gần 200 năm trước, những chiến binh Hoàng Sa ra khơi bằng những thuyền câu với cánh buồm nhỏ, mỏng manh. Thì nay, những ngư dân ra khơi bằng những con tàu gỗ máy công suất hàng ngàn mã lực và những con tàu vỏ thép uy nghi. Những con tàu sẽ vững vàng trước những đợt sóng dâng. Dẫu bao thế kỷ đã trôi qua, dẫu biển cả đã trải qua bao cơn thịnh nộ xóa đi những dấu chân của các vị tiền nhân đã từng hằn in trên những bãi cát vàng, nhưng những cột mốc chủ quyền mà cha ông đã tạc dựng thì vẫn luôn vững chắc và trường tồn trong lòng những người dân Việt Nam. Giữa đất trời lộng gió Lý Sơn, cụm tượng đài tưởng niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải như tạc lên nền trời xanh. Mãi mãi sự hy sinh của họ được người đời sau ghi nhớ. Thật khó hình dung, cách đây hàng mấy thế kỷ, phương tiện đi biển của người Việt còn rất thô sơ, họ đã lao vào những con sóng dữ để vẽ nên hình hài đất nước trên sóng trùng khơi.
Chia tay Lý Sơn trong buổi sáng yên bình, nắng sớm lung linh rát bạc lấp lánh trên mặt đại dương, hòa lẫn tiếng sóng rì rào ấy, tiếng của ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn, âm vang: “Ngư dân Lý Sơn, người dân Việt Nam không thể sống thiếu Hoàng Sa. Bởi đó là hơi thở, là xương máu của cha ông ta ở đó”.
HÀ MINH