Đến lúc bà không còn, căn nhà như thinh lặng giữa mênh mông nỗi nhớ, như bàng bạc những hoài niệm. Mà phía hoài niệm đó, với tôi là một miền tôi khư khư giữ lấy, như sợ theo dòng chảy của thời gian, nhiều năm sau, phía hoài niệm ấy sẽ dần trôi xa và đến một ngày, rồi cũng sẽ mất hút…
Vườn nhà nội bây giờ không còn chút bóng dáng cũ nào hiện hữu. Đây là điều làm tôi bùi ngùi mãi, dù không dám nói ra. Nguyên vẹn trong ký ức của tôi là hình ảnh cây vú sữa tới mùa cho trái tím, cây khế ngọt, cây khế chua và cây lê ki ma phía sau, sát tường nhà.
Xa hơn một chút là mấy bụi tre mạnh tông, tới mùa là “đội đất chui lên”, xa hơn chút nữa là mấy cây xoài thanh ca, khi trái của nó còn xanh thì ôi thôi, chua phải biết. Tôi nhớ rất rõ cảm giác dấu răng mình cắn sâu vào, xuyên qua lớp vỏ. Cũng ở vườn nhà nội, ngoài những thứ tôi vừa kể ở trên, còn có mấy liếp mía, mấy liếp ngò gai.
Lúc bà nội tôi chưa già lắm, bà gần như ở ngoài vườn suốt ngày, trừ bữa cơm trưa. Hết đánh lá mía, làm cỏ mía thì quay qua bứng những bụi ngò con con vừa nhú lên mấy lá để trồng ra thêm, cho diện tích rộng ra chút nữa, như nội nói, để không còn đất trống, cỏ không có chỗ mọc.
Hồi còn ở quê gốc Bến Tre, trước khi ông nội tôi vượt tù Côn Đảo về, rồi dắt díu gia đình vào bén rễ với đất Cà Mau cho đến bây giờ, bà nội là phụ bếp cho nhà hàng Pháp. Sau này, khi bọn tôi lúp xúp lớn lên, thường được bà làm cho các món bánh để ăn vặt. Khéo tay là vậy, nhưng vì ở có một mình, bà thường ăn uống một cách rất đơn giản. Bà thích ăn cá kho quẹt hoặc cá khô nướng với chuối chín, ít thích dùng các món canh. Kèm theo những bữa cơm đơn giản, thường là ly nước chanh dùng để thấm giọng.
Hình ảnh không bao giờ phai trong trí nhớ của tôi, là bà hay cột những cái chảo hoặc xoong, nồi nào bị lọ nghẹ bám đen rồi thả xuống nước và ngâm nhiều ngày. Khi tôi thắc mắc, bà giải thích, ngâm như thế khi chùi lớp lọ nghẹ bên ngoài sẽ dễ trôi đi và mau sạch. Cho đến bây giờ, mỗi khi góc bếp nhà tôi có xoong, nồi hơi dơ, tôi lại nhớ về bà nội tôi, một nỗi nhớ đằm sâu và dịu ngọt.
Bây giờ vườn xưa còn đó nhưng cảnh cũ thì không. Ngay cả ngôi nhà cũ kỹ của bà hồi mấy mươi năm trước, xa mé sông đến hàng mấy mươi thước, theo nhịp bồi lở của từng con nước lớn, nước ròng, sông “ăn sâu” vào gần nhà một chút.
Lần về quê mới đây, hôm tròn năm ngày mất của bác tôi, tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhà của nội sát mép lộ giao thông nông thôn vừa mới vắt qua, vì lộ lớn, đủ để cho ô tô chạy, cho nên nhà nội bây giờ có thể gọi là đã quá mặt tiền, không còn ẩn mình sau những vòm lá biếc như ngày tôi còn bé nữa. Thiệt tình là có chút bùi ngùi…
Sau khi bà mất, ngôi nhà thường xuyên đóng cửa, vì không có người ở. Thỉnh thoảng, cô tôi và các em con của cô về hoặc giỗ chạp thì ngôi nhà mới có tiếng người. Chị dâu đầu của tôi giờ đang quán xuyến mọi thứ, từ nhà tôi kế bên, cho đến nhà của bà nội tôi. Ngay sau nhà, là khoảng không gian đâm vào lòng anh em tôi và mọi người hàng trăm vết cứa.
Bởi bên này vườn nhà tôi là nơi cha tôi nằm, qua cây cầu dừa bắc ngang con mương nội bộ, là vườn nhà nội tôi, là nơi ông bà tôi, bác tôi và cả 2 đứa em trai tôi không may “ra đi” từ nhỏ, đang yên giấc. Cháu trai tôi bây giờ, cứ đi đâu thấy hoa đẹp thì xin giống mang về trồng trước khuôn viên của những ngôi mộ, như để chỗ ông bà nằm lúc nào cũng thơm hương.
Bận bịu với công việc, với cuộc sống thường nhật, mỗi khi sắp xếp để về lại nơi ấu thơ mình đã từng lớn lên, là một lần tôi có cảm giác mình đang về ngang phía nhớ. Ở nơi mà bất kỳ một lát cắt nào, cũng là một góc nhỏ yêu thương…
Gió chướng đang se lạnh như thế này, tôi nhớ giàn đậu rồng bên hiên nhà nội, nội trồng cốt để cho cha tôi ăn là chính. Mỗi bữa cơm xế bóng chiều, khi khói bếp đang bay nghi ngút, hễ mẹ tôi có món cá kho lạt, hơi nhiều nước, thế nào cha tôi cũng sai tôi chạy ù qua hiên nhà nội hái mấy trái đậu rồng, và cha vẫn không quên dặn với theo: Nhớ hái thêm cho cha ít lá đậu rồng non!
Về ngang phía nhớ, thử hỏi làm sao mà không yêu thương, không chảy tràn nước mắt!