Về nguồn bằng âm nhạc

Về nguồn bằng âm nhạc

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên

Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, công chúng nhớ đó là một người đầy tình yêu và hoài bão với âm nhạc. Anh hiện là giảng viên và nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tại Đại học Quốc gia Úc. Hàng chục năm qua, dù sống và làm việc nơi xứ người nhưng trong anh vẫn đau đáu một nỗi niềm với âm nhạc truyền thống Việt Nam, luôn tìm cách đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới, mong mỏi biến nó thành âm nhạc mang tính toàn cầu mà vẫn giữ được bản sắc Việt. Anh đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về âm nhạc dân tộc…

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên

- Phóng viên: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, anh được biết đến với phát hiện kỹ thuật mới “Đồng song âm họa ba ngắt” trên một cây đàn guitar được công bố tại Festival Guitar quốc tế năm 2007 - sự kiện đã khiến nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới ngạc nhiên và thích thú. Anh có thể nói rõ thêm về điều này?

>> Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu NGUYỄN LÊ TUYÊN: Darwin International Guitar Festival là sự kiện quốc tế quan trọng của giới guitar với sự tham gia của các tên tuổi guitar hàng đầu thế giới như John Williams... Tôi rất vinh dự đã được mời tham dự để công bố khám phá ra kỹ thuật “đồng song âm họa ba ngắt” trên một cây đàn guitar. Kỹ thuật này là một hiện tượng âm thanh đặc biệt, có thể tạo ra hai âm thanh có âm sắc khác nhau cùng một lúc. Khi chơi một nốt nhạc trên dây đàn, đó là sự cộng hưởng của một loạt các nốt nhạc khác nhau. Trong vùng cộng hưởng ấy, nếu chạm vào một nốt nhạc khác trên cùng dây đàn sẽ tạo ra hiệu quả rất thú vị. Nhận thức này trong quá trình sáng tác sẽ giúp tạo ra những tác phẩm mới lạ. Kỹ thuật này đã được nhà soạn nhạc tiền bối Larry Sitsky sử dụng để viết Sáu đoản thi cho guitar (Six epigrams for guitar) và đã được phát hành bởi Australian Music Centre.

- Hình như chính anh đã đưa bản Lý con sáo - một bản dân ca Nam bộ cho các em thiếu nhi ở Úc biểu diễn và đề nghị đưa bài này vào biểu diễn cho dàn hợp xướng tại Festival Gillawarn?

Đó là năm 2010, khi ấy tôi giữ chức Phó Giám đốc Nghệ thuật của Hội diễn Gillawarna của Bộ Giáo dục New South Wales. Với mơ ước đem một bản nhạc Việt Nam trở thành một phần văn hóa của nước Úc và thế giới, tôi đã vận động để đưa bản Lý con sáo vào chương trình biểu diễn. Thế giới ai cũng biết đến bản nhạc Sakura của Nhật bản, Greensleeves của Anh… tôi mong một ngày nào đó một bản dân ca mang đậm bản sắc Việt Nam cũng sẽ được thế giới biết đến. Tôi bắt đầu ước mơ này bằng bài Lý con sáo với một ca đoàn gồm 300 học sinh trung học và tiểu học của Sydney. Hình ảnh các em nhỏ nhiều dòng máu, nhiều màu da khác nhau cùng hát “ai đem con sáo sáo sang sông để cho con sáo sổ lồng, sổ lồng bay xa, con sáo bay xa…” giữa bầu trời Sydney đã mang lại những cảm xúc khó tả.

- Mới đây, anh cũng là người phát hiện ra bản ký âm được cho là cổ nhất của âm nhạc tài tử Nam bộ, bản tài tử “Vũ khúc Đông Dương” đã được trình diễn tại Hội chợ thế giới ở Paris năm 1900. Anh nghiên cứu về âm nhạc tài tử từ khi nào?

Lúc còn trẻ, tôi chỉ quan tâm đến nhạc phổ thông và nhạc cổ điển phương Tây. Tuy nhiên, bà ngoại tôi là người rất mê nhạc tài tử và hầu như bà nghe băng cassette nhạc tài tử mỗi ngày. Bà đã cho dì tôi và em gái tôi học đàn tranh với nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Có lẽ, tôi đã bị ảnh hưởng từ những lần nghe thoáng qua âm thanh đó. Năm 2009, lần đầu tiên tôi được hân hạnh tiếp cận với nghệ sĩ Hải Phượng, cô đã trình bày về kỹ thuật biểu diễn đàn tranh. Sau đó, tôi may mắn được làm việc chung với thạc sĩ, nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM từ năm 2011 đến nay.

Trong quá trình nghiên cứu các tài liệu tiếng Anh và tiếng Pháp về âm nhạc Việt Nam, tôi đã phát hiện ra cô đào nổi tiếng người Pháp là Cléo de Mérode đã múa trên nền nhạc tài tử của Việt Nam tại sân khấu Hội chợ thế giới Paris (Pháp) từ năm 1900. Vũ khúc Đông Dương rất may mắn được nhà nhạc học nổi tiếng Julien Tiersot ký âm và được trình diễn tại hội chợ. Bản ký âm này được ban nhạc tài tử TPHCM trình diễn tại Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế tại Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 7 vừa qua.

- Được biết, ngày 27-9 tới đây, cuốn sách “Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20” của anh sẽ ra mắt bạn đọc. Công trình này được anh thực hiện như thế nào?

Trước đây, nhiều bài nghiên cứu của tôi và nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp đã được đăng tải ở các Tạp chí chuyên môn. Cuốn sách “Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20” là tổng hợp các bài nghiên cứu và bổ túc thêm nhiều chi tiết về bối cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chúng tôi tập trung đưa ra những tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh để giới thiệu cho độc giả trong nước. Mục đích của chúng tôi là đóng góp vào công cuộc nghiên cứu và tôn vinh loại hình Âm nhạc tài tử Nam bộ - hiện đang được tổ chức UNESCO xét duyệt để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của thế giới.

- Cảm ơn và chúc anh thành công hơn nữa!

MINH AN

Tin cùng chuyên mục