Về Sài Gòn

Về Sài Gòn

Để đến Sài Gòn, người miền Bắc nói “vào Sài Gòn”và người miền Tây nói “lên Sài Gòn”nhưng với những người lính cụ Hồ, có một hướng đi khác để tới Sài Gòn, đó là “Tiến về Sài Gòn”, đó cũng là tên một bài hát của cố nhạc sĩ, giáo sư Lưu Hữu Phước.

Về Sài Gòn ảnh 1

Trên đường đánh chiếm dinh Độc Lập.
Ảnh: T.L

Lục tìm trong tiềm thức, địa danh Sài Gòn với tôi được nhắc tới lần đầu trong đời là những chữ đánh vần trong cuốn sách của người em con ông chú ruột: “Cách trí địa dư, giáo khoa thư lớp dự bị”. Tên sách có thể nhớ không đầy đủ nhưng hình ảnh minh họa về Sài Gòn dù đã hơn nửa thế kỷ qua, nay vẫn còn ấn tượng trong tôi. Càng lạ thay, từ đó trong trí tưởng tôi đã sớm hình thành sự mơ tưởng pha chút lãng mạn về một vùng đất phía trời Nam.

Nhớ những năm tháng chiến tranh, những người lính chúng tôi luôn sống cảnh “Ngày Bắc, đêm Nam” và muốn đốt cháy cả Trường Sơn để về Nam chiến đấu. Trong vô vàn lý do để “mê” Sài Gòn, có một điều rất thiêng liêng là những người lính chúng tôi đã từng ít nhiều gửi lại đây bao công sức – trí tuệ – mồ hôi – và cả xương máu để giữ thành phố này.

Và, sau hơn 30 năm ở thành phố này, được thành phố cưu mang, đùm bọc, biết bao nghĩa nặng tình thâm; biết bao buồn vui, lắng đọng.

Tôi yêu thành phố đến độ khắc ghi đoạn đường nào buổi sáng không bị nắng hoặc ít kẹt đường; nơi nào trước kia bán gạo người mua phải xếp hàng từ 3 – 4 giờ sáng; nơi nào ngày nay là các trung tâm thương nghiệp lớn, các siêu thị người ra vào tấp nập.

Con đường Đồng Khởi, thời bao cấp như cái “hàn thử biểu” về giá cả lương thực thực phẩm thành phố. Hôm qua một hào một gói xôi, em bé ăn còn thòm thèm; sáng nay cũng một hào, gói xôi nhỉnh hơn, bé ăn khá no, hiểu rằng mặt trận lương thực thành phố đã có chuyển biến tích cực v.v… Nếu đi đâu công tác vài ba ngày là lòng dạ lại ngổn ngang nỗi nhớ về Sài Gòn, mong chóng được trở về. Mỗi lần về thăm nơi chôn nhau cắt rốn thường là những đêm thức trắng kể chuyện về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh mà lòng vừa tự hào, vừa sung sướng.

Một nửa cuộc đời sống với Sài Gòn, cứ mỗi năm qua đi lại cộng thêm vào những  nỗi nhớ, những kỷ niệm và cả những ân tình để nếu bất chợt ai đó hỏi đến lại thốt lên đầy tự hào: “Sài Gòn của tôi!”.

NGUYỄN THẾ KỶ

Tin cùng chuyên mục