
Đam mê hội họa từ bé nên dù thi đỗ Trường Đại học Kiến trúc TPHCM nhưng Thúy Ngọc không theo học mà mở phòng tranh để được thỏa mãn niềm đam mê vẽ. Đó là phòng tranh của một họa sĩ được coi là “nhí” nhất (sinh năm 1986) của làng hội họa TPHCM.

Thúy Ngọc bên phòng tranh của mình.
Cách đây không lâu, giới hội họa TPHCM khá xôn xao về chuyện cô họa sĩ trẻ Thúy Ngọc ra mắt Gallery Thúy Ngọc (101B Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận). Không màu mè, cách điệu, phòng tranh chỉ chừng 20m2 trưng bày những tác phẩm của cô và những họa sĩ gạo cội khác.
Phong cảnh quê hương, cảnh vật gần gũi đời thường như làng quê, mảnh vườn nhỏ, chân dung thiếu nữ... là những hình ảnh được khắc họa đậm nhất trong tranh Thúy Ngọc. Chiêm ngưỡng những tác phẩm của Ngọc, người ta cảm giác cô bé đã “bê” cảnh, vật, người vào tranh, nói như một họa sĩ lão làng là Thúy Ngọc thấy gì vẽ vậy, không thêm bớt nhưng nhìn vào tranh người ta nhận ra được hồn của bức tranh, không ồn ào nhưng sống động.
Điều đó đã tạo ra phong cách riêng của Thúy Ngọc. “Nếu như thơ, văn bày tỏ tâm hồn của tác giả bằng ngôn từ và người ta cũng dễ cảm nhận hơn thì tranh có cách nói riêng, kín đáo và khó cảm hơn nếu không có tâm hồn”, Ngọc thổ lộ. Chính vì vậy mà nhiều họa sĩ nói Ngọc già dặn hơn so với tuổi đời và tuổi nghề.
Sinh ra trong một gia đình mà bố là giáo viên, các anh đều theo nghiệp kinh doanh nên trong gia đình Thúy Ngọc trở thành “lẻ loi”. Vốn có năng khiếu, ngày nhỏ những lúc thích vẽ, cô bé cầm cọ thui thủi vẽ bất cứ thứ gì mình thích. Lên THCS rồi THPT, Thúy Ngọc trở thành “cây cọ” chuyên phụ trách báo tường của lớp. Trong nhiều cuộc thi vẽ tranh của trường, Ngọc đều có tác phẩm tham dự và “ẵm giải”.
Không được học hội họa bài bản, không theo một trường phái nào, Thúy Ngọc đến với hội họa như duyên nợ, một cách tự do và đam mê. Hy vọng, cô sẽ đi đến cùng với niềm đam mê đó.
Tường Lâm