

Lãnh đạo UBTƯ MTTQVN trao giải cho TS Nguyễn Chánh Khê (Việt kiều Mỹ)hiện là giám đốc TT nghiên cứu và phát triển khu CN cao TPHCM
Không phải đợi đến những cuộc họp mặt gần đây mới có phong trào kiều bào hải ngoại trở về xây dựng quê hương. Cách đây nhiều năm, nhà nước đã chủ trương thu hút nguồn lực của kiều bào. Và gần đây, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị lại một lần nữa nhấn mạnh thêm điều đó. Tuy vậy, phải qua thời gian xây dựng lòng tin, nguồn lực ấy mới thực sự “chảy” mạnh về đất mẹ, cụ thể là qua một loạt những cuộc trở về của các giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước như GS Trần Văn Khê, GS-TS Trần Thanh Vân, GS-TS Nguyễn Đăng Hưng… Đó là những Việt kiều thuộc thế hệ thứ nhất.
Nói đến Việt kiều của thế hệ thứ nhất, hầu hết trong số họ đã ra đi khi tóc còn xanh. Có người đi để học tập, lao động, nghiên cứu, nhưng cũng có người đi như là một cách rũ bỏ quá khứ. Nhưng dù ra đi theo đường hướng nào thì họ vẫn là người Việt Nam và nguồn cội họ vẫn là con Lạc, cháu Hồng. Ông Vũ Giản, chuyên gia ngân hàng và đầu tư (sinh năm 1940 tại Thái Bình, hiện định cư tại Genève (Thụy Sĩ)) đã rời quê hương từ những năm 1960 để du học tự túc tại Trường Cao đẳng-Thương mại Pháp.
Tiếp đó là quãng thời gian dài ông tích lũy kiến thức và làm việc trong nhiều vị trí, vai trò quan trọng của các tổ chức, tập đoàn ở Thụy Sĩ. Năm 2000, ông về Việt Nam và quyết định trở thành chuyên gia tư vấn độc lập để được tự do nhận làm quản trị các dự án của nước ngoài trợ giúp Việt Nam. Và từ 2001 đến nay, ông là chuyên gia tư vấn cho Bộ Kinh tế Thụy Sĩ nhằm trợ giúp cải tổ ngân hàng và đầu tư chứng khoán ở Việt Nam…
Hay như GS-TS Nguyễn Đăng Hưng (định cư ở Bỉ), một người con đất Việt được nhiều trí thức trong và ngoài nước biết đến trên lĩnh vực Vật lý-Hàng không và Không gian. Tốt nghiệp Đại học Liège (Bỉ) những năm 1960-1966, ông đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng phổ biến. Sau hơn 20 năm công tác ở Bỉ, ông đã về Việt Nam, trở thành sáng lập viên và chủ nhiệm Văn phòng đào tạo cao học Bỉ-Việt của Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Bách khoa Hà Nội, góp phần đào tạo cho Việt Nam rất nhiều thạc sĩ và tiến sĩ về ngành tính toán cơ học trong xây dựng…
Không những vậy, đã nhiều năm nay, ông vẫn thường xuyên về Việt Nam tham gia các cuộc hội thảo và giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Việt Nam. Một Việt kiều “đại thụ” nữa được nhắc đến trong nhiều năm qua trên lĩnh vực âm nhạc dân tộc, là GS-TS Trần Văn Khê. Sang Pháp từ năm 1949, theo học liên tiếp tại các trường Đại học Sorbonne, Viện Khoa học Chính trị Paris, Đại học Văn khoa Paris, Viện Âm nhạc học…, để rồi sau đó trở về Việt Nam đóng góp cho quê hương trên nhiều lĩnh vực. Nhưng có lẽ, đóng góp lớn lao nhất của ông là đã truyền tải cái hồn văn hóa của dân tộc Việt Nam bằng âm nhạc truyền thống đến với bè bạn năm châu. Ông đã có hàng chục công trình nghiên cứu, bài viết, thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới.
Trên đây chỉ mới nêu lên ba ví dụ về những Việt kiều đã trở về đóng góp xây dựng quê hương trong những năm qua. Và còn nhiều nữa những Việt kiều khác được nhắc đến với sự tôn trọng và kính nể bởi không chỉ thành danh ở nước ngoài mà còn đóng góp rất hữu ích cho nước nhà, như GS-TS Đặng Lương Mô, GS-TS Trần Thanh Vân, TS Nguyễn Chánh Khê, doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ…
Mỗi người mỗi lĩnh vực, không chỉ trên phương diện khoa học, nghiên cứu mà ở cả phương diện kinh doanh làm giàu cho đất nước. Xa hơn, hơn 50 năm trước, chúng ta cũng đã ghi nhận công lao của không ít trí thức Việt kiều không quản ngại gian khổ hy sinh để hồi cư về quê mẹ, chung lưng đấu cật với đồng bào đồng chí làm cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, đó là kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, bác sĩ Hồ Đắc Di, nhà nông học Lương Định Của, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện…Chính những con người ấy đã góp phần quan trọng xây dựng nền móng tri thức cho Nhà nước công nông đầu tiên của Việt Nam.
Điều đó để chúng ta thấy rằng, không phải hôm nay mà cách đây hàng nửa thế kỷ, những trí thức Việt kiều đã có ý thức trở về quê hương xây dựng đất nước. Mặc dù mỗi thời đại là khác nhau, nhưng ở thời đại nào dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam cũng mong muốn những người con Việt dù ở đâu, làm gì cũng chung tay chung sức làm giàu, làm mạnh quê hương.
Tường Lâm