Được hỏi về tình trạng bạo hành trẻ em - mà gần đây nhất là vụ cháu bé đáng thương ở Bình Dương bị bảo mẫu hành hạ đang làm nhức nhối công luận, bà Trương Thị Mai (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (UBVCVĐXH) của Quốc hội cho biết:
Tôi đã xem toàn bộ clip về cháu bé ở Bình Dương bị hành hạ và nhớ lại một số vụ bạo hành trẻ em gần đây, cảm giác hết sức bất bình và đau xót. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc Nhà nước phải vào cuộc mạnh mẽ hơn đối với vấn đề lớn này. Các cơ quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cao hơn. Chính quyền phải rà soát toàn bộ các điểm giữ trẻ có phép và không phép trên địa bàn để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em, chứ kéo dài mãi tình trạng vài ba tháng lại có một vụ là vô cùng đáng ngại, xã hội và người dân hoàn toàn không an tâm.
- PV: Tại các KCN, KCX, nhu cầu trông giữ con em rất lớn nhưng hầu như không được đáp ứng?
Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Theo quy định, các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCX, KCN) phải tổ chức nơi giữ trẻ cho công nhân. Tuy nhiên, tôi đã đi nhiều KCN và nhận thấy hầu hết không có nhà trẻ. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đang rà soát quy định của luật để xem vướng điểm nào mà chưa đi vào cuộc sống. Các KCN nói không có điều kiện để làm nhà trẻ, còn người lao động không thể yên tâm về con em mình để đi làm. Vì thế, đã tạo nên tình trạng bất an cho cả người quản lý KCN và người lao động. Tôi cho rằng cần có sự hỗ trợ thêm từ phía Nhà nước bằng nhiều cách để các KCN, KCX có thể thành lập chỗ gửi trẻ để người công nhân yên tâm làm việc và có điều kiện chi trả.
- Người dân và xã hội hết sức lo lắng, bất an đối với các điểm giữ trẻ không phép có nguy cơ xuất hiện bạo hành. Bà nghĩ gì về điều này?
Đúng là những vụ việc vừa qua được báo chí và người dân phát hiện rồi công bố cho thấy một sự bất an. Những vụ việc này là nỗi lo của mọi gia đình. Lỗi ở đây là do sự thiếu đồng bộ. Có vấn đề hiện nay là hầu hết KCN, KCX chỉ lo xây dựng nhà máy trước để cho thuê, còn việc làm nhà trẻ thường bị lãng quên. Hậu quả chẳng còn đất để làm nhà trẻ hay do chi phí cho các điểm giữ trẻ vận hành lại quá lớn, cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ với số tiền 300.000 hay 350.000 đồng/tháng, rất khó gửi cháu bé đến những nơi tốt hơn, mà nếu phí cao hơn thì người lao động không trả nổi. Ở Bình Dương, Đồng Nai… có tới hàng trăm ngàn công nhân nhập cư, họ đã góp phần tạo nên sự phát triển cho cả vùng Đông Nam bộ. Nhưng ngược lại, chúng ta đã lo được gì cho công nhân KCN, KCX? Đó đang là câu hỏi lớn chưa trả lời được, khiến chúng ta trăn trở.
- Dường như chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình trong vấn đề chống bạo hành trẻ em, thưa bà?
Cũng có địa phương quan tâm nhưng từ nhiều hạn chế như tôi đã nói ở trên nên việc thực thi là gần như không thể. Cũng liên quan đến chăm sóc trẻ nhỏ, tại Bộ luật Lao động hiện hành có quy định nhưng không thể thực thi trong cuộc sống. Đó là quy định bà mẹ có con dưới 12 tháng tuổi được quyền dành 1 giờ/ngày trong giờ làm việc để cho con bú. Nhưng trên thực tế, nữ công nhân ở KCN không thể về nhà trong vòng 1 tiếng để thực hiện việc chăm sóc con. Cuối cùng, các KCN đã “biến hóa” bằng cách một tuần cho nghỉ 1 ngày. Như thế, thay vì được bú mẹ hàng ngày, các cháu được bổ sung bú dồn vào 1 ngày trong tuần (?!)
Bảo Vân ghi
Bắt khẩn cấp bảo mẫu Trần Thị Phụng Ngày 25-11, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Phụng, sinh năm 1958, ngụ 2/91 tổ 14 ấp Bình Thuận 1, xã Thuận Giao, huyện Thuận An vì hành vi hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật Hình sự. Theo lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, bà Phụng thừa nhận thời điểm hành hạ bé Hồ Thị Thúy Ngân là vào chiều 20-11. Bước đầu bà Trần Thị Phụng đã thừa nhận hành vi tắm gội đầu cho bé Ngân như trong clip không chỉ một mà nhiều lần. Cùng ngày, gia đình bé Ngân đã liên hệ với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Bình Dương để bảo vệ quyền lợi cho cháu Ngân. T.Đạt |
Thông tin liên quan |
- Vụ hành hạ trẻ ở Bình Dương: Bà Phụng đã nhiều lần bạo hành cháu Ngân - Vụ bảo mẫu hành hạ dã man cháu bé 3 tuổi: Cháu bé bị viêm phổi |