Trước dư luận nhiều chiều về việc Google thương lượng mua bản quyền sách của Việt Nam, buổi tọa đàm về vấn đề Google số hóa các cuốn sách của tác giả Việt Nam do Trung tâm Bản quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) tổ chức tại Hà Nội ngày 29-7 đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà văn, đơn vị xuất bản cũng như báo giới.
Vị trí các tác giả Việt Nam chỉ là thành phần liên quan
Với trách nhiệm của đơn vị đại diện cho các tác giả văn học Việt Nam, bà Đàm Thị Lam Luyến, Giám đốc VLCC đã trình bày khá tường tận về “vụ kiện” Google. Bà cho biết, từ năm 2004, Google đã vi phạm bản quyền bằng việc số hóa các cuốn sách của nhiều quốc gia, trong đó, có hơn 4.000 cuốn sách của các tác giả Việt Nam và hàng chục ngàn cuốn khác đang được chuẩn bị số hóa.
Lo sợ những hậu quả pháp lý xảy ra sau khi bị các tác giả và NXB ở Mỹ phản ứng và tiến hành vụ kiện tập thể, Google đã chủ động liên hệ với các tổ chức đại diện quyền tác giả ở nhiều nước để dàn xếp, trong đó có VLCC. Như vậy, không phải VLCC dựa vào Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý tập thể về quyền sao chép (IFRRO) để phát hiện được việc vi phạm bản quyền của các nhà văn Việt Nam như thông tin ban đầu VLCC đưa ra.
Theo ông Đỗ Khắc Chiến, chuyên gia về bản quyền thì thực chất đây là một vụ kiện bản quyền trên nước Mỹ mà phía nguyên đơn là các công ty, đơn vị bảo hộ bản quyền của nước này. Đây không phải là vụ kiện của các nhà văn Việt Nam đối với Google như nhiều người vẫn tưởng. Các nhà văn Việt Nam trong vụ thu xếp thỏa thuận bản quyền này chỉ là một thành phần liên đới và có ảnh hưởng từ những thu xếp liên quan tới việc quét và sử dụng sách cùng các bài viết của Google.
Cân nhắc sự được - mất
Ông Đỗ Khắc Chiến nói rõ hơn với các tác giả về những cái “được - mất” trong vụ thương thảo này. Đây là điều bấy lâu nay các tác giả Việt Nam rất quan tâm và đã có những phản ứng nhiều chiều, do khi gửi văn bản mời ủy quyền, VLCC đã không nói rõ.
Đó là việc Google trả 60 USD cho 1 tác phẩm, chỉ là tiền Google đã số hóa mà không xin phép các tác giả, còn sau này, khi đưa vào khai thác, các tác giả tiếp tục được nhận 63% tổng lượt truy cập tác phẩm. Ngoài ra, mỗi bộ phận (đã hoàn thiện) của cuốn sách được trả 15 USD và trích đoạn là 5 USD. Sau khi đã nhận số tiền 60 USD cho một tác phẩm, các tác giả vẫn có quyền không cho Google khai thác.
Tuy nhiên, việc “tự nhiên” đối diện với cơ hội được nhận một khoản tiền bồi thường bản quyền từ một tổ chức quốc tế, dù nhỏ hay lớn cũng khiến các chủ sở hữu Việt Nam gặp lúng túng. Có người cho rằng từ trước đến nay họ chưa bao giờ được nhận tiền bồi thường từ Google, nên công ty này tự nguyện trả tiền bồi thường là điều đáng mừng, nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, mức tiền bồi thường 60 USD/đầu sách mà Google đưa ra là quá ít...
Ông Đỗ Khắc Chiến cũng khẳng định: Với vụ dàn xếp này, Việt Nam cũng chỉ có quyền tham gia hay không, chứ không phải là đàm phán. Hạn cuối cùng công bố danh mục kê khai các tác phẩm để đòi quyền lợi từ Google là 5-1-2010, còn hạn chót mà Việt Nam phải trả lời về việc có tham gia vụ dàn xếp với Google hay không là 4-9-2009. Nếu không trả lời, tức là coi như chấp nhận tham gia dàn xếp.
Ông Chiến cho rằng, các tác giả Việt Nam nên có hành động tập thể vì sẽ nhanh chóng và ít tốn kém hơn mà lại hiệu quả vì tạo được sức mạnh. Nhưng điều cần thống nhất là tổ chức nào sẽ đứng ra đại diện cho các tác giả Việt Nam và chi phí thế nào.
Vì thế, tại đây, các nhà văn cũng bày tỏ mong muốn những người đại diện cho quyền lợi của mình tổ chức nhiều buổi tọa đàm hơn trong thời gian tới để có thể hiểu thấu đáo mọi quyền lợi được - mất trước khi quyết định.
Vĩnh Xuân
- Thông tin liên quan: Google thương lượng mua bản quyền sách của Việt Nam: Trách nhiệm của Hiệp hội bản quyền