Về vụ “hỗn chiến phố đi bộ” - TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: “Đừng để sự xốc nổi làm rầu xã hội”

- PV:
Về vụ “hỗn chiến phố đi bộ” - TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: “Đừng để sự xốc nổi làm rầu xã hội”

(SGGPO).- Sau khi xảy ra vụ “hỗn chiến phố đi bộ” tối hôm qua 3-8 tại trung tâm quận 1 TPHCM, SGGP Online đã có cuộc trò chuyện với TS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM, xoay quanh cách hành xử của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

- PV: Từ ngữ được sử dụng là “mày”, “tao”, “con chó điên”… nhưng khi các clip gây chiến được đưa lên Youtube và cập nhật ở Facebook cá nhân của hai cô gái nickname H.V. và V.H.T.V. thì lại được hàng chục ngàn lượt theo dõi. Đỉnh điểm là cuộc đụng độ của nhóm hai cô gái ở phố đi bộ Nguyễn Huệ gây ra cuộc tụ tập của hàng trăm người trẻ. TS nhận xét gì qua hiện tượng này?

- TS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU: Người ta cứ nghĩ mạng xã hội là ảo, nhưng thực ra trên đấy là những con người thực, những cảm xúc thực, mối quan hệ thực... nên mâu thuẫn tất nhiên là thực và cuối cùng đã dẫn đến trận chạm mặt thật, bị cơ quan chức năng xử lý thật và những nỗi buồn của phụ huynh cũng thật.

Điều đáng nói ở đây nữa chính là "thói quen kỳ cục" của nhiều cư dân mạng nói riêng và nhiều bạn trẻ nói chung: clip nào càng sốc thì lại càng được xem, phát ngôn nào càng gay cấn thì càng được theo dõi. Mọi người xem vụ đánh nhau này như một dịp giải trí, còn hẹn nhau từ trên mạng ra ngoài đời để đi cổ vũ cho vui. Nhiều bạn trẻ tuy không liên quan nhưng ở gần đấy cũng tụ tập để xem và có người còn hò hét phấn khích. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng giờ để tụ tập chờ đánh nhau, nhưng không sẵn sàng bỏ ra 30 giây để chờ đèn đỏ. Đó là những "thói quen xấu xí".

Về hậu quả:

Vụ việc vừa gây ảnh hưởng cho người trong cuộc vừa ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Hai cô gái khẩu chiến trên mạng, hẹn đánh nhau ngoài đường... liệu có được tôn vinh và ngưỡng mộ? Mỗi lời nhả ra như "mày", "tao", "chó điên"... được phát ngôn giống như ném những nắm bùn vào mặt người khác, và người dơ tay trước tiên tất nhiên sẽ là mình. Qua sự việc này, hình ảnh của hai cô gái được mệnh danh là "hot girl" đã bị một điểm trừ to tướng.

Không chỉ vậy, việc hẹn đánh nhau với đám đông như thế vô cùng nguy hiểm vì trạng thái dễ bị kích động của tâm lý đám đông. Nếu cơ quan chức năng không can thiệp kịp, có thể đám đông đã quá khích, nổi giận, mất kiểm soát. Lúc đó, liệu tính mạng của hai cô gái này sẽ thế nào? Tính mạng của chính những người trong đám đông ấy sẽ ra sao?

- Có ý kiến cho rằng cứ để cho tuổi trẻ xốc nổi và dại dột đi, họ có té ngã thì mời nhận ra lỗi lầm và trưởng thành. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Đồng ý. Bạn hoàn toàn có quyền xốc nổi và dại dột để trưởng thành, nhưng đừng để sự xốc nổi và dại dột đó ảnh hưởng đến người khác và làm rầu xã hội.

- Xảy ra một sự việc “không thể tin nổi” này, theo TS, lỗi chính nằm ở đâu: do mạng xã hội, do sự bốc đồng của người trẻ, sự thiếu quan tâm lẫn dung túng của phụ huynh, hay sự nặng nề nhưng kém hiệu quả trong giáo dục hiện nay?

- Mạng xã hội không có lỗi, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu kiềm chế của một số bạn trẻ và lây lan cho những bạn khác, cộng với sự tò mò bốc đồng của tuổi trẻ dẫn đến những hành động bộc phát không lường hậu quả. Ngoài ra, sự việc này cùng với hàng trăm sự việc trước đây cho thấy lỗ hổng trong văn hóa giao tiếp ứng xử trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ.

Trách nhiệm đó có bóng dáng của giáo dục gia đình, của thầy cô giáo đã không trang bị cho giới trẻ kỹ năng để biết cách cư xử khi mạng xã hội tràn vào Việt Nam. Ngoài ra, văn hóa hùa theo cũng là một nét tính cách chưa đẹp còn tồn tại trong văn hóa người Việt.

- Ông có lưu ý gì cho phụ huynh trong trước mắt và trong lâu dài để con em được “tự do một cách có kiểm soát” trong thời nhà nhà người người dùng mạng xã hội?

- Cha mẹ nên học cách sử dụng mạng xã hội, kết bạn với con để biết con mình phát ngôn những gì, thể hiện những gì để kịp thời làm "công tác tư tưởng", khuyên bảo hay ngăn chặn. Ngoài ra, nhà trường nên hướng dẫn con về những điều không nên khi thể hiện mình trên mạng xã hội, kiềm chế khi phát ngôn và hậu quả khi gây sốc.

- Việc suốt ngày chăm chăm Facebook đã xé vụn thời gian của con người, khiến họ không tập trung làm những việc khác, chẳng hạn đọc một cuốn sách. Là một chuyên gia tâm lý giáo dục, ông có lời khuyên thiết thực nào gửi đến người trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội?
 
- Facebook có thể xem là một “bộ mặt online” của mỗi người dùng, mỗi phát ngôn, mỗi hình ảnh, mỗi bình luận được đăng lên đều gây ấn tượng trong mắt người khác về mình. Internet nói chung và Facebook nói riêng như một con sóng, nó có thể nâng bạn lên hoặc dìm bạn xuống đáy. Những thông tin mà bạn đưa lên mạng có thể tồn tại lâu dài và có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến hình ảnh của bạn, sự nghiệp của bạn mà bạn không lường hết được. Vì vậy cần phải cẩn trọng với phát ngôn của mình giống như phát ngôn ngoài đời thực.

Hãy học cách sử dụng đúng đắn, Facebook sẽ là một nơi hiệu quả để học hỏi, thậm chí có thể trở thành một “lớp học” online, một “trường học trực tuyến” lý tưởng. Đôi khi một bức ảnh ý nghĩa trên Facebook có thể làm thay đổi suy nghĩ, một câu status sâu sắc có thể làm thay đổi quan điểm sống. Đôi khi chỉ cần một câu chuyện cảm động có thể thay đổi cuộc đời của một con người… Do đó, nếu biết cách dùng, Facebook có thể trở thành một "người bạn, người thầy tâm giao" của rất nhiều bạn trẻ.

Nếu nhà có nguy cơ bị cháy, thay vì cắt cầu dao hay tìm nước để chữa, một số người lại đổ thêm dầu vào để nhà cháy càng nhanh, nghĩa là họ đã góp phần phá hoại tài sản đó. Việc cổ vũ người khác đánh nhau cũng vậy, chỉ vì nhu cầu "giải trí", "có phim để coi" dăm mười mà ta đã đốt cháy mối quan hệ của người trong cuộc, thậm chí có thể còn bị cháy lây khi sự kích động của ta đã lây lan cho cả đám đông và khiến họ trở nên một đám đông quá khích, khi đó việc dẫn đến án mạng là điều không phải không thể có.

TS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU

Không có gì kỳ lạ. Con bạn sẽ nâng niu chiếc điện thoại chứa toàn bộ cuộc sống ảo nhưng thật của nó hay nâng niu một con vật nhỏ bị thương mà nó bắt gặp ngoài đường hoàn toàn do cách giáo dục của gia đình đối với nó từ bé.

Chị NGUYỄN PHƯƠNG DUNG, ngụ phường 7, quận 5

-----------------------

Khoảng 20 giờ tối hôm qua 3-8, hàng trăm bạn trẻ tập trung gây náo loạn phố đi bộ Nguyễn Huệ để chứng kiến cuộc tranh cãi giữa nhóm hai cô gái rất trẻ có nickname H.V. và V.H.T.V.. Điều đáng nói, cuộc hỗn chiến được khơi mào từ Facebook.

LÂM AN thực hiện

Tin cùng chuyên mục