Có thể nói, gần 900 hộ dân huyện Cần Giờ và hàng ngàn hộ dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai năm nay có một cái tết vui. Nói vui bởi bà con nhận được tiền bồi thường từ Vedan sau hơn 15 năm gây ra ô nhiễm môi trường làm thu nhập của bà con giảm dần, nhiều hộ buộc phải chuyển ngành nghề khác, trái với sở trường. Một số tiền đền bù với bà con chân lấm tay bùn không phải nhỏ, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Chính vì vậy, điều băn khoăn của người viết là làm sao giúp bà con có thể sử dụng số tiền này hiệu quả nhất. Nếu không cũng sẽ giống như một số hộ nông dân chuyển nhượng đất trước đó, sau khi bán được một số tiền kha khá đã vội vàng mua sắm vật dụng gia đình (mua xe gắn máy, TV, đầu karaoke, sắm vàng…) và ngồi không tiêu xài một thời gian hết tiền rồi lại đi làm thuê. Bài học nhãn tiền này đã xảy ra khá nhiều thảm cảnh do bà con chưa được chuẩn bị tinh thần cũng như kế hoạch cho việc sử dụng số tiền sao cho thật sự căn cơ.
Điều băn khoăn thứ 2, một số trường hợp trong số 839 hộ dân gút lại đầu tiên trong việc yêu cầu Vedan bồi thường, nhưng sau đó đã bị loại ra vì khi xác minh lại thì không nằm trong vùng bị ảnh hưởng (không kể hộ bị xâm canh). Như lãnh đạo huyện Cần Giờ đã nhận định, việc xác định chính xác để tránh sai sót gặp rất nhiều khó khăn vì sau 2-3 năm ngưng sản xuất hầu như mọi dấu vết đều mất hết. Số hộ sau khi kiểm tra, phúc tra giảm xuống rồi tăng lên cho thấy sự sai số này.
Điều này cũng có nghĩa, không loại trừ trường hợp vẫn có sai sót trong những hộ bị lọt ra ngoài danh sách. Xét cho cùng, đây không là phán quyết của tòa án, số tiền này như nhiều người nói là “lộc” từ trời rơi xuống, những hộ xác định rõ nhận đủ số tiền bồi hoàn, những hộ còn lại, chưa xác định vì lý do nào đó nên chăng cũng được hưởng một phần nào đó để cùng mọi người cùng cảm thấy vui vẻ. Bởi họ cũng là những hộ sản xuất gần đó, khó có sự rạch ròi. Vì vậy, chỉ sợ có thiếu sót ở khâu nào đó làm thiệt thòi cho bà con là điều nên hạn chế nếu không muốn nói là phải tránh.
Điều băn khoăn thứ 3, tình trạng xâm canh (người dân nơi khác đến sản xuất) ở huyện Cần Giờ không chỉ có người dân tại Đồng Nai và Bà Rịa –Vũng Tàu mà còn ở nhiều tỉnh khác, kể các phía Bắc và miền Trung, nhưng trong đó, trừ 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa –Vũng Tàu, có không ít trường hợp người dân từ tỉnh Long An và Tiền Giang qua đây sinh sống.
Điều ghi nhận là chỉ có nông dân 2/4 tỉnh giáp ranh với huyện Cần Giờ (TPHCM) là Đồng Nai và Bà Rịa –Vũng Tàu có nhận bồi hoàn thiệt hại của Vedan, trong khi hai địa phương này lại không thuộc khu vực bồi hoàn. Trong khi đó, ngay từ đầu huyện Cần Giờ xác định không nhận hồ sơ người từ nơi khác. Như vậy vô hình trung những hộ dân này bị thiệt hại thật sự nhưng lại không có nơi nhận hồ sơ khiếu nại giải quyết và cũng bị loại ra khỏi danh sách bồi hoàn. Liệu có bất công không khi những hộ này cũng là nông dân nghèo, vì nghèo nên phải trôi dạt sang địa phương khác để kiếm kế sinh nhai. Số bà con này cũng thật sự gặp khó khăn vì tình trạng ô nhiễm như người dân tại đây, nhưng đã bị loại ra ngoài chỉ vì vấn đề địa giới hành chánh.
Dù biết rằng lãnh đạo huyện Cần Giờ khẳng định không vô cảm với những hộ nghèo khó này và nêu ra rất nhiều trường hợp khó khăn để xác định và không thể nhận hồ sơ, nhưng ở khía cạnh nào đó, chúng ta đã tước mất ở những hộ dân này cơ hội nhận được sự công bằng. Về nguyên tắc đó là việc làm đúng. Bởi trước khi hoàn chỉnh danh sách khiếu nại Vedan, Hội Nông dân TPHCM, lãnh đạo huyện Cần Giờ đã làm việc với các địa phương trên để chuyển số hộ này về nơi cư trú giải quyết, nhưng vẫn thấy điều gì đó thương cảm cho những hộ bị đứng ngoài việc đền bù này chỉ vì địa giới hành chánh. Dù ở đâu, số hộ này vẫn là nông dân của nước Việt Nam, tầng lớp khó khăn nhất hiện nay so với tầng lớp khác. Bà con không biết bám víu vào đâu để đi tìm quyền lợi cho mình.
Công Phiên
Thông tin liên quan |
- Nông dân nhận tiền bồi thường của Vedan - Chậm trễ do thiếu giấy chủ quyền |