Vedan nâng mức hỗ trợ nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lên 10 tỷ đồng

UBND TPHCM yêu cầu Vedan bồi thường gần 45,7  tỷ đồng

• UBND TPHCM yêu cầu Vedan bồi thường gần 45,7  tỷ đồng
(SGGP). – Ngày 2-6, Công ty CPHH Vedan Việt Nam đã gởi văn bản đề nghị nâng mức hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lên 10 tỷ đồng. Trước đó, Công ty Vedan đã đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho nông dân ở 3 địa phương gồm TPHCM, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu với số tiền 25 tỷ đồng (trong đó TPHCM 7 tỷ đồng, Đồng Nai 7 tỷ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 6 tỷ đồng và 5 tỷ đồng lập quỹ phúc lợi).

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại cho 1.255 hộ dân ở huyện Tân Thành với số tiền hơn 53 tỷ đồng, nhưng Vedan đã không chấp thuận. Ngoài ra, Công ty Vedan cũng đã đề nghị nâng mức hỗ trợ cho nông dân tỉnh Đồng Nai lên 15 tỷ đồng và đã được Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai chấp nhận.

UBND TPTPHCM cũng đã ký văn bản chính thức yêu cầu Công ty Vedan phải bồi thường gần 45,7 tỷ đồng cho 839 hộ dân làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM.

Trước đó, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học quốc gia TPHCM) đã hoàn thành bản báo cáo chi tiết về diện tích, tỉ lệ đóng góp ô nhiễm và số tiền mà Công ty Vedan phải chi trả, bồi thường cho người dân huyện Cần Giờ.

L.LONG-T.NGUYỄN

Theo bản báo cáo  của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học quốc gia TPHCM), viện đã xác định có 2.123,2 ha diện tích nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của huyện Cần Giờ nằm trong vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng và vùng bị ô nhiễm.

Cụ thể, đối với 524,5 ha trong vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng, giá trị thiệt hại bình quân mỗi hecta nuôi trồng thủy sản trong suốt thời gian bị ảnh hưởng là hơn 41,5 triệu đồng và Công ty Vedan phải chịu trách nhiệm bồi thường 30,3%. Đối với 1.598,7 ha trong vùng bị ô nhiễm, giá trị thiệt hại bình quân mỗi hecta là hơn 68,6 triệu đồng và trách nhiệm bồi thường của Công ty Vedan là 10,1%. Do đó, số tiền mà Vedan có trách nhiệm chi trả thiệt hại về nuôi trồng cho người dân huyện Cần Giờ gần 17,7 tỉ đồng.

Đối với hoạt động đánh bắt thủy sản, theo tính toán của Viện thì tổng sản lượng tổn thất loài cá hệ sinh thái trên các đoạn sông Thị Vải bị ô nhiễm là 370,95 tấn, trong đó loài cá có giá trị kinh tế chiếm hơn 50% với tỉ lệ đánh bắt tối đa 60%. Căn cứ giá bình quân của loài cá có giá trị kinh tế thời điểm năm 2008 là 50.000 đồng/kg, số tiền mà Công ty Vedan phải chi trả cho các hộ dân đánh bắt thủy sản ở Cần Giờ là hơn 28 tỉ đồng.

Tổng số tiền thiệt hại về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của người dân huyện Cần Giờ mà Vedan cần phải chi trả gần 45,7 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục