Lãnh đạo TPHCM đã thống nhất về nguyên tắc sẽ xây dựng các làng nghề nông nghiệp hiện đại dọc sông Sài Gòn (phía TP) để tạo nên một vùng nông nghiệp với cảnh quan sông nước đặc sắc, vừa hỗ trợ cho việc xây dựng nông thôn mới vừa tạo thêm một điểm đến cho du lịch TP. Tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí đã có cuộc khảo sát thực địa khu vực này và có kết luận bước đầu. Báo SGGP xin giới thiệu đến bạn đọc một số đề xuất chủ đạo của Viện Quy hoạch TPHCM xung quanh nhiệm vụ thực hiện quy hoạch khu vực trên.
Trước mắt, Viện Quy hoạch đưa ra ý tưởng cho 8 xã thuộc huyện Củ Chi bao gồm xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ. Những quận, huyện còn lại đang được tiếp tục nghiên cứu.
Phần quy hoạch nằm trong địa bàn của 8 xã được chia làm 10 phân khu. Phân khu thứ nhất thuộc địa bàn xã Phú Mỹ Hưng rộng 318ha, đất nông nghiệp chiếm đến 80%, hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển song lại có khu di tích Bến Dược thu hút du khách do vậy đề xuất khu này thành một quần thể di tích-tưởng niệm và du lịch. Có thể khai thác thêm cảnh quan của rừng cao su ở đây hấp dẫn người thưởng ngoạn.
Phân khu thứ hai thuộc địa bàn xã An Phú rộng 567ha và phân khu thứ ba cũng nằm trên địa bàn xã An Phú rộng 369ha. Nơi đây có nhiều kênh, rạch và hiện đã có HTX Một thoáng Việt Nam - điểm du lịch khá hấp dẫn. Trong tương lai, nơi này còn có Thảo Cầm viên mới. Vì thế, nơi đây được đề xuất xây dựng thành khu du lịch sông nước kết hợp tham quan, nghiên cứu khám phá nông nghiệp kỹ thuật cao.
Phân khu thứ tư thuộc xã An Nhơn Tây rộng 306ha. Ở đây có doi đất nhô ra sông rất đẹp, có thể xây dựng các công trình có tính chất điểm nhấn cho toàn vùng. Ngoài ra có thể đào kênh, làm hồ cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái.
| |
Phân khu thứ năm nằm ở xã Nhuận Đức và Phú Hòa Đông rộng 211ha, là nơi có đất hẹp nhất toàn vùng, có đoạn chỉ rộng 150m. Nơi đây có nông trường Phạm Văn Cội, khu du lịch Bến Đình và dân cư khá đông đúc có thể phát triển du lịch trải nghiệm cho thanh niên, du lịch rừng kết hợp dã ngoại, phát triển các dịch vụ du khảo, dã ngoại tự sinh tồn.
Phân khu thứ sáu và thứ bảy, một phần nằm ở xã Phú Hòa Đông rộng 512ha và một phần nằm ở xã Trung An rộng 1.064ha. Nơi đây cũng có địa thế nhô ra sông Sài Gòn và có rạch Lăng The bao bọc cho tầm nhìn đẹp, có thể phát triển làng nghề kết hợp du lịch. Hiện ở đây đã có làng nghề hoa cây kiểng của HTX Quang Hà và Khu di tích lịch sử Gò Môn.
Phân khu thứ tám nằm ở xã Hòa Phú rộng 410 ha. Ở đây có nhiều trung tâm dịch vụ công cộng, có nhiều đình chùa với dân cư khá đông đúc. Đặc biệt đã có dự án phim trường do vậy có thể phát triển thêm các dự án phim trường và tổ chức du lịch tìm hiều nền công nghiệp điện ảnh. Ngoài ra có thể phát triển khu dân cư nhà vườn kết hợp với các khu dân cư hiện hữu.
Phân khu thứ chín nằm ở xã Bình Mỹ rộng 512ha và phân khu thứ mười cùng nằm ở xã Bình Mỹ rộng 497ha. Nơi đây đã có nhiều cụm dân cư nông thôn vì thể sẽ tập trung phát triển các khu dân cư này kết hợp với các nhà vườn mới. Tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
TÂM ĐỨC (ghi)