Trưa ngày 12-5, chúng tôi đến Bệnh xá Công an tỉnh Cà Mau. Sau khi nghe nhanh một số thông tin xung quanh vụ cháu Nguyễn Hoàng Anh (Hào Anh) 14 tuổi từ Đại tá Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, chúng tôi được phép tiếp xúc với cháu Hào Anh.
Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy một bóng người nhỏ thó chạy thoắt qua mặt chúng tôi trên hành lang bệnh xá. Khi vào phòng bệnh thấy Hào Anh nằm thở hổn hển chúng tôi hỏi bác sĩ “Cháu bị sao thế?”. Cứ ngỡ cháu trở bệnh. Nhưng không phải, Hào Anh thở gấp vì vừa chạy như bay từ dưới lầu lên. Thì ra bóng người chạy vút qua mặt chúng tôi là Hào Anh. Như thế các vết thương ở đầu gối và trên cơ thể của cháu đã giảm đến 80% so với ngày 29-4, ngày mà cháu được giải thoát khỏi địa ngục trần gian có tên “Minh Đức” và cháu đã cười nói nhiều hơn ngày vào viện.
Không muốn nhắc lại quá khứ đau buồn của đứa trẻ khốn khổ, chúng tôi hỏi cháu về những ngày còn đi học và danh hiệu “họa sĩ tí hon” mà cháu được nhận trong năm học lớp 2. Hào Anh lanh chanh kể về cuộc thi vẽ ngày ấy với giải thưởng là một cuốn sổ rất đẹp và mấy cây bút chì từ tay cô giáo. Đang nói chuyện về vẽ tranh, tự dưng Hào Anh mở ngăn tủ đưa cho tôi một xấp giấy vẽ.
Cứ ngỡ Hào Anh sẽ khoe tranh vẽ gì đấy. Tôi đã giật mình khi thấy đó là một xấp giấy cháu vẽ lại tất cả những dụng cụ tra tấn của “cậu Giang” và “mợ Thơm”. Có những bức vẽ hình thằng bé bị treo căng giữa trưa nắng, hình thằng bé bị chọc đũa sắt chảy máu mắt, hình những chiếc răng cửa văng ra và chiếc môi đứt chảy đầy máu… bên cạnh có những câu viết “Đao (đau) quá, con lạy mợ tha cho con”, “gãy răng con rồi”, “Con đao lắm”…
“Cháu tập quên đi những điều không vui này được không?”, “Làm sao quên được. Không bao giờ đâu..”, Hào Anh nhìn tôi và nhìn lại những nỗi đau của mình trên trang giấy.
“Con sợ nhất là bị bẻ răng”, nói đến đây Hào Anh nằm vật ra giường và co rúm người lại, lấy tay che miệng lại theo phản xạ đớn đau mà em từng chịu. Có lẽ cả đời em sẽ không thể quên nỗi đau đớn kinh hoàng khi bị bẻ gãy răng.
Điều chúng tôi muốn biết là nguyên nhân nào khiến Giang và Thơm trở thành những kẻ man rợ thế, đã được Thượng tá Nguyễn Trường Hà, Phó Trưởng Công an huyện Đầm Dơi giải thích: “Cả Giang và Thơm đều thể hiện có đủ sức khỏe để chịu trách nhiệm về hành vi hành hạ người khác của mình. Vì sao họ có thể ra tay ác độc thế với đứa trẻ, đó là do bản chất hung dữ, lưu manh có trong con người họ thôi”.
Chúng tôi đến tận khu nhà của Giang - Thơm để hiểu rằng, vì sao Hào Anh không bỏ trốn dù bị đánh dã man thế. Hào Anh bảo sức cháu không thể bơi qua con sông to ngăn cách giữa vuông tôm của trại Minh Đức với bờ đất bên kia. Có tận mắt nhìn những vết thương hằn đỏ, sâu hoắm trên da thịt Hào Anh mới thấy nỗi kinh sợ sẽ bị Giang - Thơm bắt lại nếu như chạy trốn không thoát.
Mà nguyên nhân mà Giang - Thơm khai với cơ quan điều tra khiến Hào Anh bị hành hạ tàn độc đó là: giặt quần áo chậm, ngủ gật, lười biếng, làm việc chậm, không rửa chén nhanh... Tôi không thể nghĩ nổi, nếu như tôi - một người lớn con hơn Hào Anh và lớn tuổi hơn nhiều lần, nếu bị đánh đến gãy mũi, mắt bị chọc bằng đũa sắt đến tóe máu, tay bị dao cắt đứt từng miếng, đầu gối bị búa đập sưng to… có thể làm nổi việc lau nhà, rửa chén hay không chứ chưa nói đến việc Hào Anh phải lê tấm thân tàn, với cơn sốt cao vì nhiễm trùng chèo xuồng đi qua hàng chục cái ao to để cho tôm ăn.
Khi tôi hỏi “Mã Ngọc Thơm tự xin vào tù vì sợ hay bị bắt vào tù ạ?”, Thượng tá Hà cười: “Đến bây giờ tôi không nhận được đơn xin vào tù của Thơm. Mã Ngọc Thơm bị cơ quan điều tra bắt tạm giam vì phạm tội nghiêm trọng và có biểu hiện ngăn cản việc thực thi pháp luật”.
Thượng tá Hà bộc bạch: “Vào ngành công an hơn 30 năm, với hơn 15 năm chuyên điều tra tội phạm chưa thấy vụ án nào kinh sợ như vụ hành hạ cháu Hào Anh. Những người đang làm cha mẹ lại đi hành hạ nhẫn tâm đứa trẻ đáng tuổi con mình một cách man rợ như trò tra tấn thời trung cổ thì quả là ghê sợ thật”.
Còn Hào Anh. Hỏi cháu có thù hận Giang - Thơm không? “Chuyện người lớn để người lớn tự tính, con chỉ mong mau khỏe để về trường trung tâm (Trung tâm Bảo trợ xã hội) đi học và học nghề thôi”, cháu nói. Bởi Hào Anh rất sợ về nhà ngoại ở, lỡ “bà Thơm bắt lại được là chết. Cháu sợ lắm”.
Trước khi tôi ra về, Hào Anh mắt ngân ngấn nước, nói với tôi: “Con muốn được đi học chữ và học nghề. Cô ơi, con muốn xin cho Hào Em được vào trung tâm đi học với con được không, cho con đỡ buồn và đỡ sợ”. Việc Sở LĐTB-XH Cà Mau cho phép cháu Hào Em cùng vào ở chung và học chung với Hào Anh là một ý kiến cần được quan tâm cân nhắc. Bởi nỗi hằn đau trong tâm trí của Hào Anh sẽ rất khó quên đi và nếu thật sự muốn giúp Hào Anh dần lấy lại quân bình cuộc sống, có lẽ việc cho phép cháu Hào Em cùng vào học là phương thuốc hiệu quả. Vả lại, gia đình bà ngoại Hào Em rất nghèo.
Phạm Thục