Tại phiên bỏ phiếu ngày 29-8, với tỷ lệ 285 phiếu chống, 272 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã bác bỏ kiến nghị của chính phủ nước này kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Syria. Thủ tướng Anh David Cameron sau đó đã tuyên bố: Quốc hội nước này “không muốn chứng kiến hành động quân sự của Anh” tại Syria sau khi chính phủ hứng chịu thất bại lớn về vấn đề này.
Xét thấy từ 3 tháng nay, tình hình đối với Thủ tướng Cameron đã có vẻ dễ thở hơn. Những ồn ào đòi Anh rút ra khỏi EU tạm lắng dịu. Những tín hiệu lạc quan cho thấy nền kinh tế đã thoát khỏi khủng hoảng. Uy tín phe bảo thủ đã nhích lên được ít nhiều so với Công đảng qua các cuộc thăm dò dư luận, chỉ còn cách 5 - 6 điểm, trong khi tỷ lệ này là khoảng 10 điểm hồi đầu năm 2013.
Nhưng thất bại đêm 29-8 có nguy cơ phá tan những thành quả mong manh này. Nhà chính trị học Philip Norton ngạc nhiên nhận xét “ông ta đã nhắm thẳng vào khung thành đội mình”. Một số người thì nói kết quả đêm 29-8 là đòn trả đũa cựu Thủ tướng Tony Blair. Ông Tony Blair rời nhiệm sở vào ngày 27-6-2007 sau 10 năm cầm quyền và không có ý định quay lại chính trường. Hiện ông chỉ sống những ngày tháng bình dị, thực hiện các chuyến đi từ thiện và quản lý gia sản. Tuy nhiên, những quyết định của ông năm 2003 vẫn để lại vết sẹo sâu trong đời sống người Anh đến bây giờ.
10 năm trước, ông Tony Blair đưa quân đội Anh sát cánh Mỹ tấn công Iraq. Một cuộc chiến không được LHQ bật đèn xanh và cuối cùng cuộc phiêu lưu không như mong đợi. Ký ức đen tối về cuộc chiến Iraq đã giải thích cho câu trả lời “không” của Quốc hội Anh đối với việc can thiệp quân sự ở Syria. Các nghị sĩ Công đảng và hàng chục nghị sĩ đảng Bảo thủ nhắc ông Cameron hãy “nhớ tới bài học Iraq”. Người Anh, vốn ít có thói quen phản ứng lại với quyết định tham chiến của chính phủ, giờ nhận thấy tình huống ở Syria không như trường hợp Iraq. Dân chúng trở nên hoài nghi. Họ muốn bằng chứng, muốn những đảm bảo về một cuộc tấn công hạn chế và trên hết, muốn một cuộc tấn công được LHQ cho phép.
Hậu quả của việc bỏ phiếu trước hết là thất bại về mặt ngoại giao. Tờ Telegraph nhận định “John Kerry tát vào mặt nước Anh khi gọi Pháp là đồng minh lâu đời nhất” lúc ông Hollande tuyên bố sẽ bên Mỹ để tấn công Syria. “Cú tát ngoại giao”, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh, đã khiến nước Anh lâm khó chịu. Tác động chính trị trong nước cũng rất nặng nề. Chưa bao giờ kể từ thế kỷ XIX, một thủ tướng thất bại trong cuộc bỏ phiếu về vấn đề gây chiến hay hòa bình. Báo chí Anh thậm chí còn gọi đây là sự ‘sỉ nhục” đối với ông Cameron.
Bất luận vì lý do gì, “bóng ma Iraq” là thứ ám ảnh không thể chối cãi, không chỉ đối với người dân Anh mà cả với người Mỹ hay với bất kỳ người dân nước nào có lực lượng tham chiến. Hàng ngày, hàng giờ, tin tức về khổ đau ở Iraq, nơi cuộc chiến 10 năm trước được ngụy trang bằng thông điệp mang lại những điều tốt đẹp hơn, vẫn tràn ngập báo chí thế giới. Một “vết sẹo” quá lớn, đủ khiến người ta chùn bước đặng lo nghĩ tới tương lai. Điều thiết thực nhất lúc này đối với người dân xứ sở sương mù là vực dậy kinh tế, là mối quan hệ với EU, là ổn định, không phải Syria.
Một cuộc chiến Ngoài bóng ma Iraq, kết quả này còn cho thấy Thủ tướng Anh mất quyền kiểm soát đảng của mình, lộ rõ sự mâu thuẫn. Ngoài các vấn đề kinh tế - xã hội, các nghị sĩ Anh vẫn luôn bất đồng với thủ tướng về chủ đề bất tận là Liên minh châu Âu.
VIỆT KHUÊ