Dieter Zetsche

Vị cứu tinh của Mercedes

Vị cứu tinh của Mercedes

Dieter Zetsche hiện được coi là một nhà quản lý kinh tế hàng đầu có công lớn trong việc khôi phục lại nhãn hiệu xe hơi Mercedes. Ông đang là Chủ tịch  Tập đoàn DaimlerChrysler với doanh số hàng năm 180 tỷ euro và tổng cộng 383.000  nhân viên trên các xí nghiệp ở khắp năm châu lục…

  • Một con người giản dị
Vị cứu tinh của Mercedes ảnh 1

Dieter Zetsche.

Nhìn bề ngoài, cặp ria mép dài sang trọng kiểu “hải mã” của Dieter Zetsche có thể coi là “độc nhất vô nhị” giữa một đội ngũ vô số những người đàn ông Đức có để râu. Đó cũng là lý do khiến Zetsche luôn nổi bật và được nhận ra ở khắp mọi nơi. Ông chủ của tập đoàn lớn của Đức này lại đang sống trong một ngôi nhà rất bình thường trên một ngọn đồi nằm cạnh xí nghiệp chính của Mercedes tại Untertuerkheim.

Zetsche vừa hâm đồ ăn trước mặt phóng viên vừa bình luận một cách hài hước: “Trong tủ lạnh của tôi chẳng có gì để hỏng cả”. Mới chỉ vài tuần trước đây, theo như tạp chí Stern của Đức, ông chủ lớn này còn đích thân quét dọn nhà và giặt đồ lót. Hiện giờ thì Zetsche đã thuê được một người giúp việc: “Bà ấy sẽ giúp tôi ủi những chiếc áo sơ mi” – Zetsche chỉ nói như vậy về người làm mới của mình.

Vấn đề không phải Zetsche là người hà tiện. Việc leo lên cương vị ông chủ của một đế chế xe hơi lớn của nước Đức, cũng như không ít những sự kiện khác trong đời Zetsche, đã diễn ra quá bất ngờ và nhanh chóng. Hiện vợ và cô con gái đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học của ông vẫn đang sống ở Mỹ. Gia đình Zetsche đã định cư tại đây từ 5 năm qua, khi viên kỹ sư này được cử sang nhằm vực lại đà làm ăn thất bát của Công ty Chrysler. “Đến mùa hè, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi vợ tôi quay về Stutgart” – Zetsche tâm sự.

Tất nhiên, Zetsche không bao giờ thích sống cô độc. Ông chủ tập đoàn xe hơi lớn này được đánh giá là người chân thành và cởi mở, không bao giờ thích tự cách ly tập thể. Zetsche còn là một người thích lối sống đơn giản – tự nướng thịt tiếp đãi khách, không phản đối khi con  đi bán báo để kiếm thêm tiền tiêu vặt… Viên tài xế của ông đã có lần phải nhắc trước khi ông đón một phái đoàn lớn: “Bộ áo vest của ngài đã cũ rồi, có nên đi mua bộ khác khi còn nửa tiếng nữa phái đoàn mới tới”. Zetsche nhìn lại rồi trả lời ngay: “Bộ đồ vẫn còn tốt mà, vẫn chưa hỏng chỗ nào”. Đối với ông, việc tới gặp thợ may bị coi là quá xa xỉ về thời gian.

Nếu nhìn nhận lại, nhiều người quen biết Dieter Zetsche vẫn còn thán phục bởi nghị lực và quyết tâm của ông khi bắt tay vào cương vị mới. Thật ra, trong quá khứ, cuộc đời của ông đã luôn diễn ra với những nhịp độ “chóng mặt” như vậy. Vào năm 18 tuổi, Dieter Zetsche tốt nghiệp phổ thông với số điểm xuất sắc. Năm 22 tuổi, ông nhận tấm bằng kỹ sư điện tử (tại Đức, đây đã là một bước tiến rất nhanh).

Đến năm 35 tuổi, Zetsche được giao lãnh đạo một chi nhánh của Hãng Mercedes-Benz ở Argentina. Năm 39 tuổi, ông trở thành một quan chức lãnh đạo của tập đoàn tại Stutgart. Song song với những trận chiến quyết liệt trên thương trường, Zetsche vẫn học chơi vĩ cầm và đã làm mọi người phải ngạc nhiên vì khả năng biểu diễn xuất sắc nhiều tác phẩm của Betthoven.

  • Khôi phục thương hiệu Mercedes
Vị cứu tinh của Mercedes ảnh 2

Trụ sở của DaimlerChrysler tại Untertuerkheim.

Dieter lớn lên tại thị trấn Frankfurt-Oberurzel, nhưng lại sinh ra ở Stambul, nơi người cha của ông làm kỹ sư xây dựng. Thời còn trẻ, Zetsche đã rất say mê môn thể thao đi ngựa và là một kỵ sĩ xuất sắc trong đội tuyển của trường đại học. Cũng từ thời điểm này, chàng thanh niên Zetsche dường như đã quyết định để bộ râu “hải mã” suốt cuộc đời.

Dù rất say mê thể thao và âm nhạc nhưng mục đích chính của Zetsche là phải đạt được công danh trong lĩnh vực kinh tế. “Tôi muốn đề án tốt nghiệp của mình phải được ký trực tiếp tại một công ty nào đó”  – quản trị gia hàng đầu này kể lại. Trước 3 lời đề nghị, chàng sinh viên xuất sắc Zetsche đã chọn nhà khổng lồ về xe hơi Mercedes-Benz. Khi đó, các kỹ sư của tập đoàn này đang cố gắng bằng phương pháp cơ khí để khắc phục những độ nghiêng nguy hiểm của xe hơi tại các đoạn cua.

Chàng sinh viên trẻ chưa tốt nghiệp đã đề xuất một phương án điều khiển bằng máy tính vào thời điểm kỹ thuật điện tử hầu như chưa được sử dụng trong xe hơi. Trước hiệu quả bất ngờ của phương pháp này, giới lãnh đạo công ty (dù không khỏi ngượng ngùng) cũng vẫn đủ tỉnh táo để chính thức mời chàng thanh niên tài năng trên vào làm việc.

Năm 1982, Zetsche bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau khi xây dựng thành công các cơ sở lý thuyết cho một hệ thống có tên gọi ABC, hiện đang được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế tạo ôtô. Một thời gian ngắn sau đó, cùng với một người bạn thời trẻ, Zetsche đã viết hai cuốn sách có tên “Sách bỏ túi về vật lý” và “Sách bỏ túi về các công thức toán học và các công nghệ hiện đại”.

Dù được gọi là sách bỏ túi nhưng đó lại là những cuốn sách rất lớn với tới 2.000 trang chứa đầy các công thức và sơ đồ, được dịch ra 4 thứ tiếng và in tổng cộng 150.000 bản (một hiện tượng hiếm có đối với sách kỹ thuật). Chúng được coi là những cuốn sách đặc biệt cần thiết và hữu ích đối với cả các chuyên gia lý thuyết cũng như thực hành. Đến năm 1997, Zetsche cho áp dụng chương trình điện tử ESP trong thiết kế để cứu mẫu xe “Mercedes-A” nhằm giảm nguy cơ  xe lật ở những đoạn cua gấp.

Dieter Zetsche lên nắm quyền Chủ tịch Tập đoàn DaimlerChrysler thay cho kỹ sư Jurgen Schrempp từ ngày 1-1-2006. Sau khi giúp cho Chrysler làm ăn có lãi sau nhiều năm liền thua lỗ, ông đã chuyển sang lãnh đạo tập đoàn mẹ DaimlerChrysler. Quả thật trong thời gian vừa qua, mỗi giây phút đối với Dieter Zetsche đều được coi là rất quý giá. Cần phải nhanh chóng hoàn thiện lại các kiểu mẫu của Mercedes sau một loạt các vụ bê bối liên quan đến chất lượng như việc xe bị trả lại công ty, hay những sai lầm trong việc thông qua các quyết định sản xuất.

Tất cả đã khiến uy tín và cả lượng xe tiêu thụ của tập đoàn bị giảm sút nhanh chóng. Zetsche hiện nay đang đảm trách hầu như tất cả mọi khâu, kể cả việc thiết kế và trang bị kỹ thuật cho xe. Ông đã quyết định mạnh tay sa thải 8.500 công nhân và 6.000 quan chức quản lý trong tập đoàn. Quyết định kiên quyết của ông đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng trong cuộc họp các cổ đông.

Nhiệm vụ hàng đầu của Zetsche là phải phục hồi lại uy tín đã sụt giảm nhiều của nhãn hiệu Mercedes (từng nổi tiếng là một loại xe sang trọng bậc nhất) so với các kình địch khác như BMW và Lexus. “Sứ mạng của chúng ta là đưa DaimlerChrysler quay trở lại đỉnh cao” – Ztesche đã tuyên bố như vậy trước các cổ đông, sau khi chính thức cắt giảm chi phí cho việc thiết kế Smart, một loại xe mới có hiệu suất cao nhưng lại quá tốn kém. Dù cần phải có thời gian nhưng uy tín và tài năng của Zetsche đã giúp cổ phiếu của DaimlerChrysler tăng lên hơn 30% kể từ khi ông trở thành chủ tịch.

LINH NGA (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục