Trong thời đại bùng nổ thông tin, ở đâu có tin tức, ở đó có dấu chân tác nghiệp của những người làm báo. Lặng lẽ và âm thầm họ đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin hấp dẫn, chuyển tải tiếng nói, niềm tin và cả những bức xúc của bạn đọc. Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày nhà báo Việt Nam, các nhà báo SGGP hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã chia sẻ với bạn đọc.
Phóng viên HÀN NI: Thực hiện sứ mệnh bạn đọc giao
Sau vụ quán cà phê Xin Chào, Báo SGGP cũng như bản thân tôi được bạn đọc trao sứ mệnh lớn lao, đó là đòi sự công bằng trong những vụ việc oan sai. Mỗi ngày chúng tôi nhận nhiều hồ sơ kêu cứu của người dân. Mặc dù tôi viết mảng kinh tế, không có nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của bạn đọc nhưng người dân cứ tìm đến tôi nhờ giúp đỡ, tôi đành phải sắp xếp thời gian riêng của mình giúp bà con.
Càng đọc nhiều hồ sơ, tôi càng thấu hiểu nỗi khổ của dân. Một cụ ông 80 tuổi tận Bình Chánh đạp xe đến báo nhờ giúp đỡ. Chuyện đơn giản là ông muốn chuyển hộ khẩu từ quận Bình Tân về Bình Chánh nhưng phải đi lại nhiều tháng vẫn không xong. Ông xin xác nhận “nhà ở ổn định, không tranh chấp” thì cán bộ xã Lê Minh Xuân, thay vì đưa biên lai hẹn ngày trả kết quả thì lại ghi số điện thoại cá nhân của mình rồi dúi vào tay ông. Gần 1 tháng sau ông đến lấy kết quả thì chưa có, lại bị hẹn tiếp. Ông phản ánh thì được xác nhận “trật đường ray” là “nhà mua giấy tay, trái quy định pháp luật”. Xác nhận không đúng yêu cầu, phía công an không chịu cho nhập khẩu. Ông về UBND xã yêu cầu xác nhận lại thì xã không xác nhận. Cuối cùng, chúng tôi phải điện thoại cho chủ tịch xã, ngay hôm sau ông được xác nhận “nhà không tranh chấp”. Đến lượt công an, dù đã đáp ứng thủ tục theo yêu cầu, nhưng vẫn cứ… hẹn. Chúng tôi lại phải liên hệ với phía công an thì vài ngày sau ông điện thoại cho tôi “khoe” là đã nhận được hộ khẩu và đòi đến báo cảm ơn chúng tôi.
Báo chí với vai trò cầu nối, chúng tôi đã giúp bà con phân tích từng nội dung vụ việc. Cái nào bà con sai thì chỉ rõ, cái nào đúng thì hỗ trợ làm rõ vấn đề. Thậm chí, có trường hợp người dân hợp tác “chung chi” cho cấp dưới để xây dựng sai phép, đến khi bị cấp trên kiểm tra đình chỉ vi phạm thì đến tìm chúng tôi yêu cầu giúp đỡ. Cũng có trường hợp mang hồ sơ tìm chúng tôi và “ra giá” viết bài. Chúng tôi thẳng thắn từ chối, nói rõ rằng chúng tôi không hợp tác với tiêu cực và không làm thuê để phục vụ bất cứ yêu cầu của cá nhân nào.
Tôi cho rằng, phản ánh đúng sự thật thì chỉ cần đạo đức người làm báo. Còn muốn phản ánh đúng pháp luật trong thời điểm các quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo, chưa rõ ràng - đây mới chính là rủi ro lớn đối với nhà báo, thì đòi hỏi nhà báo phải hiểu biết pháp luật và thật bản lĩnh. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng với niềm tin của bạn đọc, chúng tôi sẽ không đứng ngoài cuộc những bức xúc của bạn đọc.
Phóng viên NGUYÊN KHÔI: Viết vì trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc
Niềm đam mê viết báo đã đưa tôi với những ngày rong ruổi qua những vùng đất tìm kiếm những cái mới. Ở mảnh đất miền Trung, không biết từ lúc nào, tôi đã dành những tình cảm đặc biệt với những ngư dân quanh năm bám biển, quen “ăn cục, nói hòn” chất phác. Đã mấy chục năm rồi, Hoàng Sa, Trường Sa - ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung đánh bắt cả mấy trăm năm qua chẳng còn bình yên nữa. Mỗi chuyến xa khơi, sự hiểm nguy rình rập không chỉ là những cơn bão biển mà chính là những cú đâm húc, cướp bóc... của tàu nước ngoài. Nhưng, những ngư dân miền Trung vẫn cứ bám biển. Sự hiện diện của họ - những ngư dân - trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa như những cột mốc sống cắm vào giữa lòng biển Đông. Họ bám biển không chỉ vì cuộc sống, mà còn vì trách nhiệm và tình yêu đối với Tổ quốc.
Vì thế, không ai bảo ai, những người làm báo chúng tôi đều dõi theo từng bước chân của ngư dân. Bất kể một biến cố nào đối với họ, chúng tôi chụp lấy và đưa tin như một sự cầu mong cho họ tai qua nạn khỏi, dù là mong manh nhất. Có lẽ, không chỉ riêng tôi mà hầu hết anh em nhà báo Quảng Nam - Đà Nẵng, mỗi khi ngư dân gặp nạn trên biển Đông, dù chỉ là cơn đau ruột thừa, một tai nạn do tời đánh phải, cho đến bị thương do tàu nước ngoài đâm húc, chúng tôi đều lao về phía biển để chờ, để ngóng trông họ trở về. Xin cảm ơn những ngư dân, những người đã cho người làm báo chúng tôi cảm hứng trong sự nghiệp cầm bút. Hơn nữa, chính ngư dân đã dạy cho người làm báo chúng tôi hiểu một cách đúng nhất về trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc.
Thư ký tòa soạn VIỆT HÀ: Sự cộng hưởng tạo nên sức mạnh và dấu ấn của một tờ báo
Làm nhà báo, hạnh phúc nhất là những ngày đi viết, bởi chính chất liệu sống ngồn ngộn của cuộc sống, những nhịp đời và số phận của bao người luôn chạm tới trái tim bạn, đem lại những cảm xúc mạnh mẽ và thôi thúc bạn cầm bút. Những trang viết phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội, luôn mang đậm dấu ấn, cá tính sáng tạo của người phóng viên.
Từ một người cầm bút, tôi về nhận nhiệm vụ tại Ban Thư ký Tòa soạn. Công việc mới vất vả, có lúc căng thẳng nhưng đã đem lại cho tôi những trải nghiệm thú vị của một người làm báo thực sự. Nếu như khi đi viết, bạn luôn được chủ động về đề tài, về thời gian, về bài viết trong phạm vi của một ban chuyên môn thì với công việc của một người làm công tác tòa soạn, bạn như người “làm dâu trăm họ”. Với một tầm nhìn bao quát, người làm công tác tòa soạn là người giữ nhịp với các ban chuyên môn, với các văn phòng đại diện để cùng nhau trao đổi đề tài, truyền cảm hứng cho phóng viên. Bạn cũng phải như một “đầu bếp”, khi có trong tay bài vở, thông tin thì cùng các đồng nghiệp kiến thiết thành những trang báo có cùng một nhịp điệu chung. Công tác tòa soạn đòi hỏi bạn luôn tràn đầy cảm hứng sáng tạo bên cạnh một cái đầu luôn tỉnh táo để đảm bảo sự chính xác, tính định hướng của thông tin.
Từng có một thời gian dài làm phóng viên, tôi cũng có lúc “khóc lên khóc xuống” khi bài viết của mình bị cắt, nên khi làm công tác tòa soạn tôi luôn trân trọng bài viết của các đồng nghiệp. Tôi ít khi cắt “sỉ” mà bỏ công gọt tỉa câu cú để có thể giữ được ý nghĩa mà tác giả muốn chuyển tải. Niềm vui của người làm công tác tòa soạn là vào những buổi sớm, được đọc những trang báo sống động và tinh tươm - thành quả lao động vất vả của chính mình và các đồng nghiệp.
Với tôi, mối quan hệ của tòa soạn với các ban chuyên môn, với phóng viên luôn là tâm điểm của một tờ báo. Mối quan hệ chặt chẽ, kịp thời của hai bộ phận này sẽ đem lại những thông tin nóng, những bài báo hấp dẫn, đậm tính dân sinh. Sự cộng hưởng này sẽ tạo nên sức mạnh và dấu ấn của một tờ báo.
Giám đốc TT Phát hành Văn Phong: Khi cách thức đọc báo thay đổi..
Chưa bao giờ báo chí nói chung và báo in nói riêng đang phải đối mặt với áp lực thay đổi để tồn tại trước sự phát triển mang tính cách mạng của kỷ nguyên kỹ thuật số.
Tất cả là do cách thức đọc báo của bạn đọc đã thay đổi. Giờ đây khách hàng có thể dễ dàng xem báo qua điện thoại di động. Giới trẻ từ 30 tuổi trở xuống hầu như không có thói quen đọc báo giấy còn lớp tuổi trên 30 đến 40 thì lúc có lúc không và chỉ còn lớp người trung niên trở lên còn trung thành với thói quen đọc báo giấy.
Trong cuộc chiến khốc liệt hiện thời, báo in có vẻ yếu thế nên để tồn tại các báo phải tự thay đổi: Tiếp tục nhanh nhạy hơn về thông tin đồng thời phải tiếp tục phát huy ưu thế về chất lượng - tính chuyên sâu của báo chí văn bản trong đó có những bài bình luận, phản biện chính sách xã hội, các vấn đề thu hút đông người dân quan tâm.
Thời ăn nên làm ra của các sạp báo nay đã qua.
Một vấn đề có tính thách thức khác là báo in phải tăng tính tương tác với bạn đọc theo kiểu “cùng bạn đọc làm báo” vừa thu hút sự quan tâm của độc giả tìm mua báo vừa coi đó như là nguồn cung cấp thông tin cho tờ báo thông qua các phương tiện kỹ thuật số và thông qua các chuyên mục, các vấn đề mang tính tương tác cao thông qua việc tổ chức tin - bài. Việc huy động được sự tham gia của các nhà báo không chuyên này giờ đây đã trở thành nguồn tin rất quan trọng trong thời buổi cạnh tranh. Không chỉ đọc tin văn bản, hình ảnh đơn thuần mà người đọc còn muốn được xem cả hình ảnh động như các video clip ngắn và lại còn đưa trước cả truyền hình.
Báo chí trong thời đại mới cũng đòi hỏi cách tác nghiệm của phóng viên cũng phải thay đổi: Đó là phải sử dụng thành thạo máy tính, máy ảnh, máy quay phim, điện thoại di động đa phương tiện để đưa tin, hình ảnh kịp thời, sinh động. Phóng viên bây giờ phải vừa biết làm tin, quay video clip cho báo điện tử đồng thời viết tin - bài cho báo giấy theo quy trình tác nghiệp của các Tòa soạn. Bài viết cũng phải ngắn hơn, nhanh hơn.
Với các tờ báo của Đảng bộ các tỉnh, thành thì thực tiễn đang đòi hỏi không chỉ đúng định hướng mà phải hay, phải nhanh. Một khi chậm thông tin thì không thể làm tốt chức năng định hướng thông tin và một khi không hay thì không thể thu hút được độc giả. Nếu báo chí chính thống không thông tin hoặc đưa thông tin chậm thì truyền thông xã hội sẽ chiếm lĩnh vai trò.
Bên cạnh đó, các báo in cũng phải có chiến lượng chăm sóc khách hàng dài hạn tốt hơn qua việc nâng chất lượng phục vụ và chăm sóc khách hàng; củng cố và phát triển khách hàng tiềm năng dựa trên thế mạnh của mỗi tờ báo để duy trì một lượng khách hàng ổn định.