Sau loạt bài điều tra về những vi phạm trong lĩnh vực môi trường của các đơn vị thuộc Tổng Công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), ngày 8-9, Báo SGGP đã trao đổi với Đại tá Phan Hữu Vinh, Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an. Đại tá Phan Hữu Vinh (ảnh) cho biết:
Vi phạm về môi trường tại nhiều nơi thời gian qua rất nghiêm trọng và đã đến mức báo động, càng kiểm tra các cơ quan chức năng càng phát hiện ra sai phạm. Nhiều vụ vi phạm diễn ra phổ biến, trên phạm vi rộng và cố tình che giấu hành vi sai phạm với cơ quan chức năng. Trong đó, vụ Công ty CP Sonadezi Long Thành xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm cho nhiều khu vực dân cư mà C49B phát hiện thời gian qua là điển hình. Điều này cho thấy vi phạm môi trường đã xảy ra tại các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN và có chức năng thu gom, xử lý môi trường cho các doanh nghiệp (DN) trong KCN mình quản lý.
- PV: Hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường phổ biến hiện nay là gì, thưa ông?
- Đại tá PHAN HỮU VINH: Phổ biến là xử lý nước thải và các chất thải chưa đạt tiêu chuẩn đã xả ra môi trường. Nhiều nơi có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không đều. Kiểm tra có nơi hệ thống xử lý môi trường đóng rêu hoặc thiết bị hư hỏng không hoạt động. Tại nhà máy xử lý nước thải tập trung của Công ty CP Sonadezi Long Thành, chúng tôi phát hiện loại hóa chất tẩy màu từ tháng 4 đến nay không sử dụng một đơn vị nào. Như vậy là họ đã có gian dối, thu tiền của các DN nhưng không xử lý, bất chấp hậu quả về môi trường gây ra cho xã hội.
- Trách nhiệm trong quản lý nhà nước và quản lý địa bàn của chính quyền địa phương như thế nào, thưa ông?
- Đối với DN, bằng cách này hay cách khác thấy sơ hở là họ lợi dụng để làm ăn gian dối nhằm thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương tại nhiều nơi còn lỏng lẻo. Việc xử lý sai phạm chưa mang tính răn đe. Nhiều DN cho rằng, số tiền thu được từ hành vi xả thải ra môi trường lớn hơn nhiều lần so với tiền phạt do vi phạm. Chính vì vậy, nhiều DN không sợ và cố tình vi phạm. Chúng tôi đề xuất xử lý các hành vi vi phạm về môi trường tới đây cần phải tăng nặng. Ví dụ như ngoài phạt tiền còn yêu cầu khắc phục lại hiện trạng, bồi thường thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng, đình chỉ hoạt động của DN và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tẩy chay những sản phẩm, dịch vụ của các DN vi phạm.
- Công ty CP Sonadezi Long Thành là đơn vị chuyên về xử lý môi trường lại có hành vi vi phạm về môi trường, người lãnh đạo cao nhất ở DN này lại là đại biểu Quốc hội, người dân sợ rằng sẽ “giơ cao đánh khẽ”?
- Vụ vi phạm này là không thể chấp nhận được bởi Sonadezi là một DN lớn đầu tư hạ tầng KCN rồi kêu gọi các DN vào. Đối chiếu hợp đồng mà Công ty CP Sonadezi Long Thành ký với các DN cho thấy nhiều điều khoản đã không được thực hiện. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật về môi trường mà còn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và làm mất uy tín ngay cả với các DN trong KCN do đơn vị này quản lý. Công ty CP Sonadezi Long Thành là một trong 24 đơn vị thành viên của Sonadezi nên trách nhiệm trước tiên thuộc về người lãnh đạo trực tiếp. Điều đáng nói là trước đó DN này cũng đã 4 lần bị cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử lý về hành vi xả thải ra môi trường song họ vẫn tiếp tục vi phạm. Như vậy, ở đây còn có trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của Sonadezi. Cái chính trong vụ này mà chúng tôi đang ray rứt là hậu quả của việc làm sai trái mà Sonadezi gây ra cho người dân xã Tam An (huyện Long Thành) sẽ rất lâu mới khắc phục được.
- Ông có ý kiến gì về một lượng chất thải nguy hại (CTNH) rất lớn tồn lưu trong môi trường và được các DN, KCN lưu giữ thời gian dài nhưng không có cơ quan trách nhiệm nào kiểm tra, xử lý?
- Việc quản lý CTNH được Luật Bảo vệ môi trường quy định rất chặt chẽ, chỉ những đơn vị có chức năng, có giấy phép mới được hành nghề vận chuyển, xử lý. Vụ 5.316 tấn CTNH mà Báo SGGP phản ánh đã được chúng tôi điều tra, xem xét cụ thể. Chúng tôi đang yêu cầu Sonadezi báo cáo toàn bộ vụ việc này, sau đó sẽ làm rõ mức độ sai phạm để xử lý theo pháp luật.
HOÀI NAM (thực hiện)