Vi phạm môi trường nghiêm trọng - Khó khởi tố hình sự

Vi phạm môi trường nghiêm trọng - Khó khởi tố hình sự

Năm 2008, 6 hồ sơ của 6 doanh nghiệp (DN) có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng được chuyển sang Phòng Cảnh sát môi trường (nay là Phòng Phòng chống tội phạm môi trường) Công an TPHCM để thực hiện khởi tố. Tuy nhiên, sau đó, cả 6 hồ sơ trên được chuyển trả lại cho Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để xử lý vi phạm hành chính. Từ đó đến nay vẫn chưa có thêm một vụ vi phạm môi trường nào chính thức bị khởi tố hình sự. Luật Bảo vệ môi trường đã có, tại sao thực tế lại chưa thể thực hiện được?

Thiếu chế tài...

Tại hội thảo về tính khả thi trong việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống do Bộ Tư pháp tổ chức, đại diện nhiều cơ quan chức năng môi trường cho rằng, khó áp dụng những biện pháp UBND TP xử phạt mạnh, mang tính chất răn đe trong lĩnh vực vi phạm môi trường là do thiếu quy định cụ thể.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng Phòng chống tội phạm môi trường, cho biết, để khởi tố hình sự một DN có hành vi vi phạm môi trường, cần xác định được mức độ thiệt hại do DN gây ra cho môi trường sinh thái. Đơn cử, trong 6 trường hợp DN bị chuyển trả về cho Thanh tra Sở TN-MT xử phạt hành chính, đơn vị đã tổ chức giám định thiệt hại về môi trường nhưng không thể thực hiện được vì không có cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái trước khi DN vi phạm. Kéo theo là không xác định được mức độ thiệt hại vào thời điểm DN gây ô nhiễm.

Năm 2009, Công ty dệt nhuộm thêu may Hoa Tiến bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý.

Năm 2009, Công ty dệt nhuộm thêu may Hoa Tiến bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý.

Duy nhất từ năm 2007 đến nay chỉ thực hiện khởi tố một trường hợp nhập khẩu phế liệu có chứa chất thải nguy hại. Nhưng DN này bị khởi tố bởi hành vi buôn lậu và do cơ quan công an điều tra kinh tế thực hiện chứ không phải do Phòng Phòng chống tội phạm môi trường thực hiện. Tương tự, ông Đoàn Thanh Vũ, Phòng TN-MT huyện Bình Chánh, nhấn mạnh, trên địa bàn huyện đã phát hiện và chuyển cơ quan điều tra thực hiện khởi tố DN Tân Đức Thảo, hoạt động trong lĩnh vực thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Thế nhưng, đã hơn 2 năm trôi qua, vẫn chưa thể xử lý hình sự.

Việc buộc tạm ngưng hoạt động những DN tái vi phạm môi trường nghiêm trọng cũng rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do thiếu biện pháp chế tài. Do vậy, cho đến nay dù rất nhiều DN có mức độ vi phạm buộc phải tạm ngưng hoạt động nhưng việc thực hiện vẫn còn rất hạn chế. Duy nhất biện pháp công khai thông tin DN vi phạm là khiến cho nhiều DN e ngại nhưng việc chậm trễ trong quá trình phát hiện, xử phạt cũng đã và đang làm hạn chế hiệu quả biện pháp này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, trong 193 DN vi phạm môi trường bị đơn vị phát hiện, có 103 vụ chuyển cho UBND TP xử phạt. Số lượng chuyển lên phạt quá nhiều (do vượt thẩm quyền cấp sở) dẫn đến quá tải cho Ban Pháp chế của UBND TP khiến thời hạn xử lý bị chậm trễ. Vì vậy, đến việc xử phạt được những DN vi phạm cũng đã là rất khó huống hồ công khai thông tin.

...thiếu cả trang thiết bị và lực lượng

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở TN-MT TPHCM, cho biết, đối với cơ quan chức năng, khó khăn trong xử phạt DN có hành vi vi phạm môi trường không chỉ là về luật mà còn cả về nhân lực và trang thiết bị kiểm tra. Ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định thêm, hiện đơn vị được trang bị máy phân tích kim loại nặng. Đây là máy có vốn đầu tư lớn nhưng để… trùm mền vì đơn vị không được chuyển giao công nghệ và bản đồ hướng dẫn sử dụng. Trong khi đó, một trong những máy rất cần thiết cho cán bộ thanh kiểm tra môi trường là máy đo nhanh nhưng lại không được trang bị. Mặt khác, lực lượng thanh kiểm ra hiện rất mỏng, hơn 100 cán bộ, lại được điều động từ nhiều bộ phận khác nên cả về số lượng và chất lượng chuyên môn đều không đảm bảo. Do vậy, việc kiểm soát hành vi vi phạm môi trường trên địa bàn TP rất khó khăn.

Thống kê của thanh tra Sở TN-MT TPHCM cho thấy, năm 2007 có 193 DN bị phát hiện vi phạm, đến năm 2008 là 283 DN, năm 2009 là 350 DN và 2011 là 215 DN. Ông Đoàn Thanh Vũ cho biết thêm, có rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ không hề có hệ thống xử lý chất thải. Khi bị phát hiện và xử phạt thì họ ngưng hoạt động luôn, rồi một thời gian sau họ lại xin thành lập một cơ sở với tên hoàn toàn khác. Còn đối với những DN lớn hơn thì dù họ có đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng rất nhiều đơn vị chỉ vận hành khi nào có đoàn kiểm tra đến. Để khắc phục tình trạng này, nhất thiết TP phải bổ sung lực lượng và trang thiết bị kiểm tra môi trường. Đồng thời, sớm xem xét tính khả thi của những biện pháp xử phạt mang tính chất răn đe để xử lý triệt để những DN tái vi phạm nhiều lần.

Tiến sĩ Dương Thanh Mai, Bộ Tư pháp, khẳng định, hiện Chính phủ đã phê duyệt đề án nghiên cứu về việc thành lập cơ quan chuyên theo dõi về việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Theo đó, cơ quan này sẽ giúp các cơ quan chuyên môn giải quyết kịp thời hoặc trình Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai văn bản pháp luật vào cuộc sống. Đề án sẽ tập trung vào một số vấn đề nổi cộm như: an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, đất đai, xây dựng… Hy vọng việc sớm tháo gỡ những vướng mắc trong việc xử phạt hành vi vi phạm môi trường sẽ giúp cộng đồng sớm có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong tương lai gần.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục