Đã thành thông lệ, vào thời điểm cuối năm và đầu năm, các doanh nghiệp (DN) thường lợi dụng sự lơ là kiểm tra của các cơ quan chức năng để xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nắm bắt được tình hình đó, các cơ quan chức năng đã thắt chặt thanh kiểm tra ngay từ những ngày đầu năm. Kết quả, hàng loạt DN bị phát hiện và phải nhận hình thức xử phạt không lấy gì làm dễ chịu.
Nhiều công ty bị xử phạt nặng
Đầu tiên là Công ty TNHH Hansae Việt Nam tại địa chỉ đường D2, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Trong quá trình hoạt động, công ty đã phát sinh chất thải nguy hại nhưng không được phân loại, để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau. Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng nước thải (lưu lượng từ 50m³/ngày đến dưới 500m³/ngày) sản xuất của công ty lại không được dẫn qua hệ thống xử lý nước thải mà chảy thẳng vào hệ thống thoát nước mưa. Kết quả phân tích do Viện Công nghệ Môi trường thực hiện cho thấy, chất lượng nước thải của công ty đã vượt quy chuẩn cho phép. Cụ thể tổng Nitơ vượt 1,4 lần, NH4+-N vượt 3,7 lần.
Không chỉ vậy, chất lượng khí thải lò hơi tại phân xưởng 3 vượt quy chuẩn cho phép với lưu lượng thải 1.400m³/giờ. Với những hành vi vi phạm trên, công ty đã bị cơ quan chức năng phạt tiền tổng cộng 113 triệu đồng. Đồng thời, công ty bị buộc phải khắc phục vi phạm như quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định; thu gom toàn bộ nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất, đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép trước khi đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp; có biện pháp xử lý khí thải lò hơi (phân xưởng 3), đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra ngoài.
Tương tự với trường hợp trên, nhiều công ty khác cũng đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt nặng. Cụ thể là Công ty TNHH Nidec Copal Precision VN, Công ty TNHH TM xử lý môi trường Thành Lập, Công ty CP nhựa P.E.T Việt Nam, Công ty TNHH Hong IK Vina… Hành vi vi phạm của các công ty thường là để chất thải nguy hại lẫn chất thải thông thường thay vì phải bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại hoặc đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bồn, thùng chứa, bao bì chuyên dụng đáp ứng các yêu cầu về an toàn, kỹ thuật, bảo đảm không rò rỉ, rơi vãi hoặc phát tán ra ngoài môi trường.
Cá biệt, Công ty Thành Lập hoạt động thu gom, xử lý chất thải tại địa chỉ số 147, ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Trong quá trình hoạt động của công ty, khoảng cuối năm 2009, công ty đã tiến hành lắp đặt thêm 3 lò đốt chất thải nguy hại nhưng chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nên đã bị phạt với mức phạt tiền từ 200 triệu - 300 triệu đồng, bị yêu cầu phải lập ngay báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Thế nhưng, đến thời điểm tái kiểm tra vào tháng 1-2012 công ty vẫn chưa thực hiện.
Sẽ cưỡng chế buộc tạm ngưng hoạt động
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM khẳng định, các DN cố tình để lẫn chất thải nguy hại vào rác thải sinh hoạt hoặc công nghiệp thông thường để giảm chi phí chuyển giao, xử lý. Trung bình giá chuyển giao xử lý một tấn chất thải nguy hại khoảng 4 triệu – 12 triệu đồng/tấn, thậm chí có những loại chất thải mà công ty phải trả khoảng 40 triệu đồng/tấn. Trong khi giá chuyển giao chất thải sinh hoạt chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/tháng. Một hành vi vi phạm khác là các công ty chuyển giao chất thải nguy hại cho các đơn vị không có thẩm quyền thu gom, xử lý chất thải nguy hại.
Theo đại diện phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, tình trạng này cũng xảy ra khá phổ biến. DN hoàn toàn có thể tránh mắc phải hành vi này nếu cẩn trọng yêu cầu các đơn vị thu gom chất thải cho mình phải xuất trình giấy phép của cơ quan chức năng cấp cho họ đủ điều kiện để thu gom, xử lý chất thải nguy hại.
Hệ quả việc lợi dụng sự quản lý chưa chặt chẽ, để vi phạm môi trường, DN đã phải trả giá rất đắt. Hình thức phạt tiền thấp nhất là 100 triệu đồng/DN. Ngoài ra, họ còn bị buộc phải khắc phục hành vi vi phạm của mình. Có lẽ, với mức phạt trên cũng đủ để DN thấy rằng mức phạt đã cao hơn mức phí mà họ bỏ ra để xử lý chất thải. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM khẳng định, năm 2012 sẽ thực hiện cưỡng chế buộc tạm ngưng hoạt động với những DN tái vi phạm môi trường nghiêm trọng. Vậy với những DN vi phạm trên nếu chỉ tái vi phạm thêm một lần nữa cũng đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng chế ngưng hoạt động.
MINH XUÂN