Vi phạm pháp luật về môi trường: Xử lý còn nhẹ tay

Vi phạm nhiều, xử phạt ít
Vi phạm pháp luật về môi trường: Xử lý còn nhẹ tay

Theo quy định, mức xử lý cao nhất cho một hành vi vi phạm pháp luật về môi trường là 500 triệu đồng. Để chứng minh cho hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này phải cần đến 5 cơ quan thẩm quyền xem xét với thời gian có trường hợp lên đến vài tháng, thậm chí là cả năm. Những bất hợp lý và không thực tế trên trở thành kẽ hở trong quy trình xem xét, xử lý các hành vi vi phạm môi trường, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp “vô tư” vi phạm và chấp nhận nộp phạt…

Lực lượng cảnh sát môi trường C49 bắt quả tang Công ty CP Thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè TPHCM) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền, gây ô nhiễm môi trường.

Lực lượng cảnh sát môi trường C49 bắt quả tang Công ty CP Thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè TPHCM) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền, gây ô nhiễm môi trường.

Vi phạm nhiều, xử phạt ít

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và một số địa phương lân cận bao gồm 11 tỉnh thành hiện có gần 400 khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung với hơn 80.000 doanh nghiệp (DN). Trong đó, TPHCM chiếm tỷ lệ khá lớn và được coi là địa phương tập trung lớn nhất các ngành sản xuất công nghiệp có mức độ ô nhiễm về khí thải, nước thải. Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường của 11 tỉnh thành đã phát hiện, đấu tranh, làm rõ được 2.303 vụ vi phạm môi trường (tăng 150 vụ so với năm 2012), xử lý vi phạm hành chính hơn 40 tỷ đồng.

Đó là con số rất nhỏ so với thực tế của tình hình vi phạm về môi trường tại các địa phương khu vực phía Nam hiện nay. Một báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng ô nhiễm môi trường thuộc hệ thống các sông, kênh rạch của TPHCM cho biết, mỗi ngày có hơn 5.000 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất lớn nhỏ xả các loại khí, khói bụi, nước thải ra môi trường. Một lượng rất lớn khí thải và nước thải không được xử lý, hoặc có xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, đã xả ra môi trường, ô nhiễm nặng nề nhiều khu vực dân cư, nhất là ở ven các kênh rạch, sông ngòi.

Hậu quả là sông Sài Gòn đoạn từ huyện Củ Chi qua địa phận các xã của huyện Hóc Môn, quận 12 đến quận Bình Thạnh; các tuyến kênh Tham Lương, Tàu Hủ, Trường Đai, Suối Cả, Suối Nhum… bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều đoạn kênh rạch dòng nước đen đặc, bốc mùi hôi thối, gây ngập và ô nhiễm nhiều khu dân cư.

Đặc biệt, trên tuyến kênh Tham Lương từ Khu công nghiệp Tân Bình đến cầu Trường Đai (tiếp giáp quận 12 và Gò Vấp) có hơn 100 cơ sở sản xuất, mỗi ngày xả ra môi trường hàng chục ngàn mét khối nước thải, hàng ngàn tấn khí thải độc hại, nhưng đã không bị phát hiện, xử lý. Các khu vực khác như quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… mỗi ngày cũng có hàng ngàn DN xả một lượng rất lớn nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng cho đất đai, bầu không khí, mặt nước và các khu dân cư.

Có dấu hiệu vụ lợi, bảo kê

Tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga cho rằng, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ở nước ta hiện nay đáng báo động và đã gây ra nhiều hậu quả cho môi trường và cuộc sống người dân. Nhiều vụ việc mà cơ quan chức năng và báo chí, người dân phát hiện chỉ là một phần rất nhỏ so với thực trạng ô nhiễm môi trường ở các địa phương trong cả nước hiện nay.

Đại biểu Nga cảnh báo, để xảy ra tình trạng trên không chỉ do Luật Bảo vệ môi trường đã không được chấp hành nghiêm, mà còn có một phần trách nhiệm ở người thi hành công vụ. Cụ thể là các cơ quan thẩm quyền từ trung ương đến địa phương, cán bộ môi trường, cán bộ thanh tra, kiểm tra còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu vụ lợi, bảo kê, tiếp tay cho vi phạm, không giải quyết thỏa đáng khiếu nại, tố cáo của người dân về hành vi vi phạm môi trường.

Theo đại tá Phan Hữu Vinh, Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, các vi phạm môi trường phần lớn do cố ý, có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện. Chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý môi trường cộng với chi phí xử lý thường chiếm 1/3 trong hạch toán giá thành sản xuất, nếu cố tình vi phạm thì DN sẽ hưởng lợi một khoản tiền rất lớn. Chính vì vậy, nhiều DN xem việc vi phạm môi trường là giải pháp làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nên bất chấp mọi hậu quả. Mặt khác, theo đại tá Phan Hữu Vinh, quy định về mức phạt hiện nay còn quá nhẹ và không mang tính răn đe, không đánh vào lợi ích kinh tế nên DN không sợ và chấp nhận nộp phạt để vi phạm.

* 9 tháng năm 2013, Thanh tra Sở TN-MT TPHCM đã kiểm tra tại 226 đơn vị, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về môi trường 44 đơn vị với tổng số tiền 629.300.000 đồng.

* Trong số 2.303 vụ vi phạm pháp luật về môi trường tại 11 tỉnh thành khu vực phía Nam mà lực lượng cảnh sát môi trường các địa phương phát hiện, xử lý chủ yếu là gây ô nhiễm môi trường nước (636 vụ), khí thải (120 vụ), vi phạm về quản lý, xử lý chất thải nguy hại (325 vụ), khai thác tài nguyên khoáng sản (160 vụ).

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục